2.10.14
36th Thư gởi quân đội nhân dân.
***
Thư số 36 gởi:
Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Phạm Bá Hoa
******
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, cho Dân Tộc, trong đó có Các Anh và gia đình Các Anh! Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương cội nguồn của tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với thư này, tôi tổng hợp một số bản tin trong nước lẫn hải ngoại, giúp Các Anh nhận ra số công nhân Trung Hoa lục địa mà tôi gọi là công nhân Trung Cộng trên đất Việt Nam, và thử ước tính mức độ nguy hại của họ trong trường hợp tình hình căng thẳng, thậm chí là xung đột giữa hai nước Việt - Trung.
Thứ nhất. 10 dự án do Trung Cộng xây dựng.
Tháng 4/2014, Viện Nghiên Cứu Cơ Khí thuộc Bộ Công Thương công bố thống kê, theo đó thì Trung Cộng đang xây dựng 15 (trong số 20) công trình nhiệt điện. Ngoài ra, còn có 24 công trình xi măng, nhưng tài liệu không nói rõ con số mà chỉ nói Trung Cộng là tổng thầu.
Một tài liệu của Ủy Ban Tài Chánh và Ngân Sách Quốc Hội công bố năm 2011, theo đó thì tính đến cuối năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu theo hình thức EPC về dầu khí, hóa chất, điện, và dệt kim, do nhà thầu Trung Cộng trúng thầu. Trong số đó có 30 dự án trọng điểm quốc gia, mà những dự án điện lực trị giá hằng tỷ mỹ kim. Dưới đây là 10 dự án lớn tại Việt Nam, do nhà thầu Trung Cộng thực hiện:
1. Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Đây là đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam với số vốn đầu tư 552 triệu mỹ kim (MK). Thời gian xây dựng từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013, nhưng chậm trễ phải đến cuối năm 2015 mới xong, trong khi số vốn phải tăng thêm 339 triệu MK, hay là tăng 63%.
2. Xa lộ Hà Nội - Hải Phòng dài 105 cây số, với vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng. Khởi công năm 2008 và dự trù hoàn thành vào tháng 10/2015. Nhưng chậm trễ, và nhà thầu không trả lời về thời gian đưa vào sử dụng.
3. Xa lộ Nội Bài - Lào Cai dài 245 cây số, ngang qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, với vốn đầu tư là 20.000 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 9/2009, dự trù đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6/2014. Nhưng chậm trễ khoảng 2 năm, .
4. Bô xít Tây Nguyên. Ngày 1/11/2007, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 167 phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít trong thời gian 2007-2015, có xét đến năm 2025. Ngày 8/5/2009, Báo Financial Times cho rằng “dự án này nói lên tính phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc, và dự án này là một món quà của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi triều kiến Trung Quốc”. Ngày 18/5/2009, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hơn 150 trí thức Việt Nam, đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi đảng Cộng sản và chánh phủ dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ngày 09/10/2010, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao và nhiều nhân sĩ, đã đồng loạt ký đơn thỉnh nguyện gởi Bộ Chính Trị, Thủ Tướng, và Chủ Tịch Quốc Hội, yêu cầu ngưng ngay dự án Boxit Tây Nguyên. Đơn thỉnh nguyện này lần lượt có chữ ký của 2000 vị cựu lãnh đạo và trí thức.
Tổ hợp bô xít Tây Nguyên gồm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, do Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản VN làm chủ đầu tư, và nhà thầu Chalieco của Trung Cộng là đơn vị tổng thầu. Nhà máy Tân Rai khởi công năm 2008, và nhà máy Nhân Cơ khởi công năm 2010. Nhà máy Tân Rai hoạt động từ tháng 9/2013, dự trù trong 3 năm đẩu lỗ khoảng 460 tỷ đồng, trong khi nhà máy Nhân Cơ sẽ lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng trong 6 năm đầu.
5. Nhà máy gang thép Lào Cai. Khởi công tháng 4/2008, do Công ty TNHH Khoáng sản & Luyện Kim Việt-Trung làm chủ đầu tư, và Công ty TNHH Côn Minh Trung Cộng trúng thầu. Dự trù khai thác qua 3 giai đoạn tính chung từ năm 2008 đến 2015, nhưng năm 2012 bắt đầu trì trệ vì một nhà thầu phụ cũng của Trung Cộng đã bỏ trốn sau khi nhận tiền hợp đồng, để lại khoản nợ cho Việt Nam là 5.000 tỷ đồng. Điều lạ là nhà tổng thầu không chịu trách nhiệm.
6. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 tại Trà Vinh, do EVN làm chủ đầu tư. Công trình dự trù góp phần phát triển điện lực toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2015 , xét đến năm 2025 và được Thủ Tướng phê duyệt. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1 tỷ 600 triệu mỹ kim. Trong số vốn này có đến 85% là vốn vay của Ngân Hàng Xuất Nhập khẩu Trung Cộng. Dự án do nhà thầu Trung Cộng Dongfang Electric Corporation Ltd. (DEC) làm tổng thầu EPC. Khởi công năm 2010, và dự trù vận hành vào tháng 11/2014. Có thể không chậm trễ.
7. Nhiệt điện Mông Dương 2 tỉnh Quảng Ninh với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ mỹ kim..Thời gian khởi công năm 2011, dự trù hoàn tất năm 2015. Sau 25 năm khai thác, sẽ giao cho Việt Nam. Dự án này vừa tăng thêm 550 triệu mỹ kim, hay là 55%. Dự án do Tập đoàn Posco Power và tập đoàn đầu tư Trung Cộng thực hiện.
8. Nhà máy thủy điện sông Bung 4 tỉnh Quảng Nam, do Công ty cổ phần tư vấn Xây Dựng Điện 1 (thuộc EVN), và nhà thầu Trung Cộng thực hiện. Khởi công từ tháng 6/2010, dự trù hoàn thành vào năm 2015. Cuối năm 2013, do đưa công nhân Trung Cộng vào Việt Nam mà chưa có giấy phép làm việc, nên nhà thầu Sinohydrro Corporation Limitted bị phạt 570 triệu đồng.
9. Golden Westlake là khu chung cư với 2 toà nhà 23 tầng tại Hà Nội, do công ty TNHH Hà Việt-Tung Shing là chủ đầu tư. Khởi công cuối năm 2005, dự trù hoàn thành vào năm 2007. Nhưng, chủ dự án gặp nhiều rắc rối khi xây dựng khu biệt thự sát bên khu chung cư đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 100 gia đình chung quanh, làm các căn nhà này bị sụt, lún, nứt, xô nghiêng... Một số chủ gia đình đã đưa nội vụ ra tòa, và phải trả tiền bồi thường lên đến 500 triệu đồng.
10. Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu tỉnh Hải Dương. Tháng 8/2013, tỉnh Hải Dương cho biết, Tập đoàn Crystal của HongKong sẽ đầu tư khoảng 425 triệu mỹ kim vào dự án dệt Pacific Crystal, và 120 triệu mỹ kim vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng khoảng hơn 70 mẫu tây đất trong khu công nghiệp Lai Vu. Cả hai dự án có số công nhân lên đến 22.900 người.
Thứ hai. Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tình.
Vũng Áng là khu kinh tế trong khu đô thị Vũng Áng, và khu kinh tế Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh. Thành lập từ tháng 4/2006, với diện tích 227 cây số vuông sát chân dãy Hoành Sơn, gồm các xã Kỳ Nam (dưới chân Đèo Ngang), Kỳ Phương, Kỳ Lợi (có Mũi Ròn Mẹ và Mũi Ròn Con), Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà, và Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh. Toàn bộ khu kinh tế Vũng Áng bao bọc hai bên quốc lộ 1, chiếm hai phần ba chiều dài quốc lộ 1 đoạn từ Đèo Ngang đến ranh huyện Cẩm Xuyên. Tổng số công nhân lên đến 30.400 người, trong số đó có 980 lao động của chủ đầu tư, và 3.200 công nhân Trung Cộng do nhà thầu trực tiếp tuyển vào.
Điều mà dư luận từ người dân đến các tổ chức xã hội dân sự quan tâm hơn hết là vấn đề an ninh. Khu kinh tế Vũng Áng là một trong những vị trí trọng yếu bậc nhất về mặt quân sự, vì lãnh thổ Việt Nam với dạng hình cong chữ S theo chiều nam bắc khoảng 1.500 cây số tính theo đường chim bay, hai đầu phình ra và eo thắt ở giữa. Bề ngang lãnh thổ theo chiều Đông Tây: Nơi rộng nhất của Miền Bắc khoảng 600 cây số là từ A-pa-chài đến Móng Cái. Miền Nam rộng nhất khoảng 370 cây số là từ Hàm Tân đến Hà Tiên, nơi eo thắt ở Miền Trung là Đồng Hới, từ bờ biển vào đến biên giới Việt-Lào chỉ có 37 cây số. Đã eo thắt, lại là vùng núi non hiểm trở, nên người dân chỉ sinh sống trên dãi đất hẹp dọc theo bờ biển.
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội, phân tách: “Vị trí Vũng Áng đối diện với đảo Hải Nam ngoài khơi, nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng xong cảng Vũng Áng mà bên đảo Hải Nam chĩa qua ngay Vũng Áng, có thể nói, lúc ấy Vịnh Bắc Việt trở thành cái ao của Trung Quốc, và khi nó ngăn cản sự vận chuyển đường hàng hải của Việt Nam từ Bắc vào Nam thì điều gì xảy ra? Ngoài ra, nó còn là nguy cơ về quốc phòng nữa, vì từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ có 50 cây số, và khi có vấn đề gì thì làm sao phòng thủ được, khi Trung Quốc từ bên Lào tràn qua Vũng Áng chỉ 50 cây số đường bộ là họ cắt đôi Việt Nam rồi!”
10.000 công nhân Trung Cộng sắp đến Vũng Áng?
Theo báo VietnamNet, trong tháng 6 và 7/2014, “hơn 30 nhà thầu thực hiện dự án của Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động ngoại quốc”. Báo này dẫn nguồn tin từ nhân vật giấu tên nói rằng, "trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới là Trung Quốc. Một trong các lý do sử dụng nhiều lao động Trung Quốc là vì đại đa số các nhà thầu là người Trung Quốc. Chẳng những thế, có những công ty Việt Nam cũng đặt vấn đề xin tuyển lao động Trung Quốc nữa”. Vẫn theo VietnamNet, "trong số hơn 10.000 công nhân ngoại quốc sắp tới Vũng Áng, có từ 6.000 đến 7.000 công nhân làm việc cho Formosa".
Ngày 26/8/2014, bản tin của đài BBC cho biết “Có thể có 10.000 lao động Trung Quốc sắp vào làm việc cho tập đoàn Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng”. BBC đã liên lạc với các lãnh đạo Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vũng Áng để xác nhận tin trên, nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
Ngày 27/8/2014, theo bản tin của Vietinfo thì Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với báo cáo của Formosa và các nhà thầu thì đề nghị đưa 8.400 công nhân vào làm việc trong “gói thầu” của Formosa là công nhân Trung Quốc. Trong đó, hai gói thầu lớn là lò cao số 1 và số 2 cần đến khoảng 2.000 công nhân”. Ông Thuận cho biết thêm: “Nguyên tắc là tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm luật pháp Việt Nam. Trong tổng số gần 10.000 người, chuyên gia chiếm 10-15%, còn lại là lao động phổ thông. Công nhân Trung Quốc tại Vũng Áng rất đông, chỉ riêng xây dựng hai lò cao số 1 và số 2 đã cần khoảng 2.000 người. Vì các nhà thầu nói rằng, trên thế giới chỉ có Trung Quốc mới xây dựng được lò cao luyện thép nên phải để lao động của họ làm”. .”.
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản ý Khu Tinh Tế Hà Tĩnh cho biết: “Đợt tuyển gần 10.000 lao động này, ban đầu các nhà thầu đã thông báo tuyển dụng đúng theo luật Lao Động Việt Nam, không phân biệt lao động trong hay ngoài nước. Nhưng lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như năng lực, nên không được tuyển”.
Ngày 29/8/2014, ông Vương Văn Tường, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh, cho báo Đất Việt biết: “Sau cuộc biểu tình bạo động hồi tháng 5/2014, tính tới ngày 25/8/2014 số lượng công nhân trở lại làm việc tại Formosa là 24.000 người, trong đó có 1.900 người Trung Quốc. Dự trù đến cuối tháng 9/2014, tổng số lao động sẽ tăng lên khoảng hơn 30.000 người, trong số đó có hơn 5.000 công nhân Trung Quốc tại Vũng Áng.
Về nguồn tin hơn 10.000 công nhân Trung Quốc sắp đến Vũng Áng là do ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng Phòng lao động và phát triển nhân lực thuộc Ban Quản Lý khu kinh tế Hà Tĩnh công bố: “Theo yêu cầu của công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 10.000 công nhân nước ngoài, mà trong đó có đến 90% là công nhân Trung Quốc đến làm việc tại Formosa”.
Trước những tin tức loan truyền từ các cơ quan truyền thông ngoại quốc bằng Việt ngữ, cộng với những tin tức trên các trang Blog trong nước, liên quan đến nguồn tin Trung Cộng sắp đưa 10.000 công nhân vào khu kinh tế Vũng Áng, Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục Trưởng Cục Việc Làm/Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội, khẳng định: "10.000 lao động Trung Quốc vào Vũng Áng (Hà Tĩnh) là làm đúng quy trình".
Tóm tắt về 10.000 công nhân Trung Cộng tại Vũng Áng: “Báo VietnamNet loan tin, Formosa xin tuyển 11.000 công nhân mà hơn 90% là tuyển từ Trung Cộng. Đài BBC trong bản tin ngày 26/8/2014 cho rằng có thể có 10.000 công nhân Trung Cộng làm việc cho Formosa. Ngày 27/8/2014, Ông Nguyễn Đức Thuận -Trưởng Phòng xuất nhập cảng Hà Tĩnh- cho biết, trong số 10.000 người nói trên, có khoảng 10-15% là chuyên gia, còn lại là công nhân. Trong khi ông Hồ Anh Tuấn -Trưởng Ban Quản Lý khu kinh tế Hà Tĩnh- thì các nhà thầu tôn trọng luật lao động Việt Nam, nhưng vì công nhân Việt Nam không có khả năng nên họ tuyển từ Trung Cộng. Ngày 29/8/2014, theo ông Vương Văn Tường -đại diện Formosa- dự trù đến cuối tháng 9/2014, Vũng Áng có khoảng 30.000 công nhân, hơn 5.000 trong số đó là công nhân Trung Cộng. Nhưng bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục Trưởng Cục Việc Làm/Bộ Lao Động & Thương Binh Xã Hội, khẳng định: “10.000 công nhân Trung Cộng vào Vũng Áng là đúng qui trình”.
Xin trích bài viết trong CAFEF online trên trang dưới tên “Đột nhập đại công trường Formosa”, để có thêm nét nhìn về cái hào vừa rộng vừa sâu bên ngoài bức tường rào của Formosa, nơi mà vị đại diện Formosa nói là hơn 5.000 công nhân Trung Cộng làm việc trong đó. Và đây là bài viết: “Không chỉ những ai đã từng qua lại quốc lộ 1A, đoạn ngang qua Khu Kinh Tế Vũng Áng, mà ngay cả không ít người dân Hà Tĩnh, cũng đều chung cảm giác ngạc nhiên về mức độ qui mô của dự án Formosa. Nhiều câu hỏi đặt ra về an ninh quốc phòng đối với dự án trên một vùng đất rộng lớn ngay vùng eo thắt của lãnh thổ Việt Nam. Nhìn từ bên ngoài, chỉ cái hàng rào cũng khiến người ta ngạc nhiên với đôi mắt tròn xoe. Cả một vùng đất rộng lớn gần 2.000 mẫu tây được xây bức tường rào bao quanh cao chừng 5 thước. Khoảng 2/3 chiều cao của tường rào được đổ bê tông cốt sắt, chỉ một ít gạch được xây phía trên cùng của tường rào. Bên ngoài là một con kinh nhân tạo rộng chừng 30 thước, chạy bao quanh hàng rào. Họ đã bỏ ra hơn 1 tỷ mỹ kim để san lấp mặt bằng khu đất dự án. Cát được hút lên từ biển để nâng cao toàn bộ mặt nền trung bình là 3 thước, có nơi cao đến 15 thước. Người dân không phận sự, chỉ có thể nhìn thấy bên trong hàng rào kia, ngày thì bụi mù, đêm thì đèn điện sáng trưng như phố”.
Từ góc nhìn quân sự, Các Anh có đồng ý với tôi rằng: “Mức độ kiên cố của bức hàng rào, cộng với con kênh đào bên ngoài, có phải là thực hiện quan niệm phòng thủ của một căn cứ quân sự không? Mà tại sao khu kinh tế lại phòng thủ như căn cứ quân sự vậy? Nếu là chống kẻ trộm thì đâu cần đến “bức tường rào chắn đạn với cái hào sâu làm chướng ngại ngăn chận quân tấn công từ bên ngoài”. Cho dù một phần trong khu kinh tế Vũng Áng có trở thành khu tự trị người Tàu trên đất Việt hay không, tôi vẫn thấy khó hiểu về quyết định của lãnh đạo Việt Cộng khi chấp nhận biến vùng lãnh thổ nhỏ hẹp này trở thành khu kinh tế mà hầu hết là công dân Trung Cộng “làm việc”, như một vùng đất tách biệt khỏi hai bên lãnh thổ Nam Bắc Việt Nam.
Thứ ba. Vẫn là công nhân Trung Cộng tại Việt Nam.
Ngày 1/3/2010, ông Ðồng Sĩ Nguyên trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, rằng: “Từ báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, tôi thấy có là doanh nghiệp nước ngoài họ lại chọn thuê ở nhiều địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Cụ thể, họ thuê đất ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là các tỉnh biên giới. Tại Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Họ thuê ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Campuchia. Vậy là nắm những con đường trọng yếu của mình. Kinh nghiệm cho thấy khi làm các dự án, họ đều đưa người đến rồi biến thành các làng mạc, thị trấn riêng biệt của họ... Trong giai đoạn chiến tranh, Trung Quốc cho quân đội làm đường sắt đã lấn chiếm đất của các tỉnh biên giới phía Bắc, muốn làm gì trong đó, thậm chí có thể xây dựng kho tàng bí mật giấu vũ khí, cũng không ai biết....”.
“Tập Ðoàn Ðiện Khí Thượng Hải và Tập Ðoàn Ðông Phương của Trung Quốc, có mặt trong các dự án quan trọng xây dựng các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1… Các công ty khác cũng của Trung Quốc đã tham gia dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (Nghệ Tĩnh) và Kiên Lương (Kiên Giang) trị giá tới 2 tỷ đôla, đã ký hợp đồng với Việt Nam hồi tháng 7/2010.
“Dự án thủy điện Sông Tranh 2 ký kết với nhà thầu Ecidi-Alstom Trung Quốc. Khởi công từ tháng 3/2006, với tổng mức đầu tư lên đến 5.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ phát điện vào năm 2010, nhưng tới ngày 7/1/2011 mới khánh thành máy số 1. Đáng quan ngại là cùng với các gói tổng thầu EPC, Trung Quốc đem công nhân vào Việt Nam đảm trách tất cả mọi việc, kể cả công nhân vệ sinh”.
Ngày 31/8/2011 (trang Bauxite online). Giáo sư Vũ Cao Đàm nhận định: “Bằng chiêu bài“ hợp tác khai thác bô-xit” từ 2007 đến 2015 và xét đến 2015, đế quốc Trung Quốc đã đóng chốt ở một vùng vô cùng hiểm yếu của bán đảo Đông Dương, cộng với những hợp đồng thuê 300.000 mẫu tây đất rừng đầu nguồn dọc theo biên giới. Vậy là họ tạo ra một thế quân sự vô cùng nguy hiểm, có khả năng làm tê liệt khả năng phản công bảo vệ tổ quốc khi bị Trung Quốc tấn công từ bốn phía. Chúng ta không quên cộng thêm một bầy nhung nhúc gồm trên 1.300.000 người lao động Trung Quốc. Bọn chúng được các “đồng chí” tại địa phương sắp xếp rãi khắp mọi miền đất nước, đã tạo ra một đạo quân dự bị khổng lồ cầm súng bắn được ngay, đang mai phục khắp lãnh thổ Việt Nam. Một nguy cơ đang rập rình chờ đợi và người dân Việt -những ai còn tỉnh táo- đành sống trong muôn nỗi phập phồng!”
Ngày 18/6/2012, phóng viên Thanh Quang đài Á Châu Tự Do có bài phóng sự về công nhân Trung Cộng trên đất Việt. Bắt đầu như một lời than: “Tâm trạng người dân Việt Nam trong nước có tinh thần dân chủ tự do luôn khắc khoải và bất an cho vận nước, bởi rừng đầu nguồn trọng yếu của tổ quốc bị Trung Hoa đưa dân (hay quân) thuê mướn hàng loạt và dài hạn. Vùng đất đầu nguồn là “xương sống của quê hương” bị họ án ngữ theo sự mời gọi của lãnh đạo đáng với nhà nước đã cho họ khai thác bô xít ở Tây Nguyên, nhiều công trình trọng yếu được lãnh đạo nhà nước cho người Trung Hoa trúng thầu, nền kinh tế nước nhà bị họ lũng đoạn, biển cả của tổ tiên bị Trung Quốc lấn chiếm…, và mới đây, người dân lại càng bất an trước tình trạng người phương Bắc dưới dạng “doanh nhân” tới “an nhiên nuôi cá” ở Vũng Rô, thậm chí ngay tại cảng chiến lược trọng yếu Cam Ranh nữa. Chưa hết, hiện nay tại Hải Phòng tràn ngập lao động Trung Hoa”.
Hãy nghe ông Nguyễn Đại Nghĩa, Phó chánh văn phòng Sở Lao Động thành phố Hải Phòng bị đại diện công nhân nêu câu hỏi: “Vì sao thành phố cho phép hằng ngàn lao động người Tàu vào Việt Nam làm công nhân như đào đất, phụ hồ, quét dọn, ... nói chung là những công việc này lao động Việt Nam không được thuê mướn trong khi công nhân thất nghiệp lang thang đầy đường?” Ông Nghĩa trả lời như không có gì phải quan tâm: “Ta phải đáp ứng nhu cầu nhà thầu, vì chủ trương của thành phố là luôn luôn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nên phải tạo điều kiện dễ dàng cho người ta”.
Ngày 28/11/203, (bào Dân trí) trong khi Quốc Hội đang thảo luận dự thảo Luật Xuất Nhập Cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Quốc Hội nêu lên một vấn đề rất lo ngại là lao động ngoại quốc mà đông nhất là từ Trung Cộng, tràn ngập vào Việt Nam và lập làng lập xóm lập phố ở một số địa phương, Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu:
“Đã có nhiều chục ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu, như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Xi măng Ninh Bình, Tây Ninh, bauxite Lâm Đồng. Nói là lao động nước ngoài nhưng ai cũng biết đó là người Trung Quốc. Họ có mặt từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào đến Mũi Cà Mau, lên tận Tây Nguyên, rải dài các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh Đông Nam Bộ. Có những nơi, họ sống theo xóm, theo phố. Dân mình cũng lập phố đưa biển hiệu như phố Tàu. Mới đây, báo chí đưa tin Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương là một ví dụ. Người Trung Quốc sang Việt Nam bằng con đường du lịch, rồi ở lại làm việc cho các công trình của nhà thầu Trung Quốc. Số lao động được cấp phép cũng như không được cấp phép, nên rất khó kiểm soát.....”
Tóm tắt công nhân Trung Cộng trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo tài liệu của Viện Nghiên Cứu Cơ Khí/Bộ Công Thương, và của Ủy Ban Tài Chánh Ngân Sách Quốc Hội, đã có 74 dự án lớn mà hầu hết đều do các nhà thầu Trung Cộng thực hiện, tuy không đầy đủ nhưng ít ra công nhân Trung Cộng cũng có mặt tại các tỉnh, như sau: “Nhiệt điện tại Quảng Ninh, nhà máy xi măng tại Ninh Bình, đường sắt tại Hà Đông, xa lộ Hà Nội - Hải Phòng, xa lộ Hà Nội - Lào Cai, nhà máy gang thép Lào Cai, khu chung cư tại Hà Nội, nhà máy dệt và may tại Hải Dương, thủy Diện tại Quảng Nam, nhà máy bô xít Đắc Nông và Lâm Đồng, nhà máy xi măng tại Tây Ninh, nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh, Kiên Giang, và Cà Mau, khu kinh tế tại Bình Dương, Đông Đô Đại Phố tại Bình Dương, khu kinh tế tại Biên Hòa. Thuê đất tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Long An, ..v..v..
Vậy, Các Anh thử ước tính, nếu mỗi dự án trung bình có 500 công nhân Trung Cộng, thì 74 dự án cũng gần 40.000 công nhân Trung Cộng, cộng thêm với 10.000 công nhân Trung Cộng tại Vũng Áng. Dĩ nhiên là công nhân Trung Cộng không phải chỉ có ngần này, mà còn có mặt tại các khu kỹ nghệ và khu kinh tế khác nữa, vì tài liệu của Viện Kiến Trúc & Quy Hoạch/Bộ Xây Dựng (trong Wikipedia) cho biết: “Tính đến tháng 2/2011, Việt Nam có 256 khu kỹ nghệ và 20 khu kinh tế tại 62 tỉnh và thành phố. Mục tiêu phát triển hướng đến năm 2020”.
Chỉ với con số công nhân Trung Cộng trên đây thôi, Các Anh có nghĩ đến những hậu quả từ số công nhân Trung Cộng không? Chẳng hạn như “liệu trong số đó có bao nhiêu người cầm súng khi tình hình căng thẳng giữa Việt Cộng với Trung Cộng vượt khỏi tầm kiểm soát? Hoẵc tất cả đều cầm súng? Một cách nghĩ khác như một giả thuyết: “Nếu tình hình Biển Đông căng thẳng do Trung Cộng giành lấy tài nguyên, trong khi áp lực quốc tế đè nặng lên Trung Cộng, liệu số công nhân Trung Cộng có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, có đứng lên làm cuộc lật đổ nhóm cầm quyền hiện nay để đưa nhóm tay sai tín cẩn lên cầm quyền, lúc ấy Trung Cộng thản nhiên tung hoành Biển Đông vì lãnh đạo Việt Cộng là tay sai của Trung Cộng nên phải im lặng?
Kết luận.
Với phương tiện truyền thông ngày nay, Các Anh có cơ hội tiếp xúc với thế giới tự do ngang qua hệ thống internet như Các Anh đang đọc lá Thư này. Tôi tin là trong những lúc mà Các Anh sống thật với trái tim và khối óc của chính mình, nhất thiết Các Anh phải suy nghĩ ....Thời cơ ngay trước mặt rồi Các Anh à ... Hãy nhanh lên, để kịp hòa nhập cùng 90 triệu đồng bào làm nên lịch sử, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Các Anh hãy nhớ: Trên thế giới, chưa bao giờ có sự kiện người dân từ các quốc gia Dân Chủ Tự Do chạy sang các quốc gia cộng sản độc tài xin tị nạn chính trị, chỉ có người dân từ các quốc gia cộng sản độc tài ào ạt chạy sang các quốc gia Dân Chủ Tự Do xin tị nạn chính trị. Riêng tại Việt Nam:
Thứ nhất. Trong vòng 300 ngày từ sau Hiệp Định Đình Chiến 20/7/1954 có hiệu lực, đã có 868.672 người từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chạy vào nước Việt Nam Cộng Hòa dân chủ tự do tị nạn. Từ năm 1954 đến năm 1956, có thêm 102.861 người trốn khỏi phần đất cộng sản vào phần đất tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi tị nạn. Cộng chung là 971.533 người. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 1 “bầu chọn” chế độ Dân Chủ Tự Do.
Thứ hai. Trong vòng 20 năm kể từ sau khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xua quân đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975, đã có 839.200 người vượt biên vượt biển đến tị nạn chính trị tại 91 quốc gia tự do, và Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng 400.000 đến 500.000 người đã chết mất xác trên biển và trong rừng, trên đường chạy trốn cộng sản! Lại cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 2 “bầu chọn” chế độ Dân Chủ Tự Do.
Và hãy nhớ: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Tháng 10 năm 2014
********.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét