21.4.13

LỄ HỘI QUAN ÂM – NGÀY HÀNH HƯƠNG VÀ  CẦU NGUYỆN NĂM THỨ 13, ÐƯỢC TRUNG TÂM PHẬT GIÁO  – 
CHÙA VIỆT NAM TỔ CHỨC VÔ CÙNG TRANG NGHIÊM, TRỌNG THỂ

PV/Thế Giới

Hơn ba trăm (300) Tăng, Ni khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và  thế giới cùng với hàng ngàn ngàn Phật tử và  đồng hương đã qui tụ về Chùa Việt Nam trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm 2013 dự đại lễ Quan Âm –Hành Hương và Cầu nguyện. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các cơ quan truyền thông, báo chí, chính quyền địa phương: Linh mục Phạm Hữu Tâm, ông McClelland -Cảnh Sát Trưởng thành phố Houston, ông Dân biểu Tiểu bang Hubert Võ, Ls Teresa Ngọc Hoàng- Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Houston & Vùng Phụ Cận, và Quan khách từ các tôn giáo bạn.

Ðại lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu nhân lúc ban đạo từ tán than công đức chư Tăng Ni, Phật tử đã thành tựu lễ hội viên mãn, và cầu nguyện Mẹ hiền Quan Âm từ bi cứu độ cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc; ngài cũng cầu nguyện cho tình đoàn kết của đồng bào trong ngoài nước và ước mong đồng bào sẽ cùng nhau đứng lên đòi đảng CSVN phải hủy Ðiều 4 Hiến Pháp và sớm giải thể chế độ cộng sản trên quê hương đất nước thì mới mong bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải cho Tổ quốc.

Hoà Thượng Thích Nguyên Hạnh, trong Lời Tưởng Niệm trong đêm Thứ Sáu 29/3/13 và Lời Cầu Nguyện trong Ðạo Tràng Linh Hiển “Ngàn Mắt Ngàn Tay” Thứ Bảy 30-3- 2013, đã làm thổn thức hàng ngàn con tim Phật tử, nhiều người không cầm được nước mắt nghĩ đến cảnh ngộ đồng bào sống trong đói lạnh bức bách, cay đắng đến tận cùng, dưới sự cai trị độc tài của chế độ đương thời. (Lời Tưởng Niệm của Hoà Thượng Thích Nguyên Hạnh, Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam được trích đăng dưới đây để đồng hương và Phật tử tường lãm):

Lời Tưởng Niệm
(Ðêm 29/3/13)

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dân tộc chúng con đã triền miên trong thảm họa.

1954. Ðất nước phân ly. Dòng sông Bến Hải ngậm ngùi chia hai mảnh hình hài non sông nước Việt. Lịch sử lại tiếp tục viết lên bằng máu xương và nước mắt đã chảy dài từ bao năm trước.

Ðau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo loét trong lều.
Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế  dật dờ trước ngõ.

Trong hình ảnh đớn đau với ngọn lửa tham tàn chiến tranh thiêu  đốt ấy, 1963, Phật giáo đồ Việt Nam đã đứng lên để kêu đòi quyền sống tự do tín ngưỡng, công bằng xã hội; để cho bên cạnh khói lửa chiến tranh lấy đi bao mạng sống; thì lại cũng đã có bao người xả thân vì đạo, lấy chính mình làm ngọn đuốc soi sáng lương tâm.

Rồi 1975. Một bi kịch mới lại đến với con dân nước Việt. Bom đạn im hơi nhưng nhà tù trải rộng làm cho bao người phải ngậm hờn tức tưởi bỏ mình trong ngục tối âm u. Ðất nước thống nhất mà lòng người ly tán khiến cho bao kẻ phải nước ra đi, vượt biên vượt biển mà lâm cảnh xác bỏ rừng hoang, thây chìm biển lạnh.

Áp bức đọa đày. Oan tình đầy dẫy. Hỡi ôi! Cả một lịch sử đoạn trường của một dân tộc kiêu hùng bị kềm hãm trong trùng vây của chủ nghĩa bạo hành và những thế lực thời đại. Cả một chuỗi dài oan khiên của những con người hiền hòa bị trói bằng sợi dây thù hận. Thương đạo, thương đời, thương dân, thương nước, bao người sống đã chẳng cam lòng với cảnh ngộ; để rồi chết đi, âm dương đôi đường, mịt mù mây khói, nào ai biết được, hồn giờ ở đâu.

Thôi thì,
“Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh”
mà về đây trong giờ phút thiêng liêng ngày Lễ Hội Quan Âm này để xin nhận lấy tấm lòng tưởng niệm của những người còn sống hôm nay.

Một nén hương này xin tưởng niệm đến những con người bất hạnh đã ra đi trong lao tù khổ ải hay đã bỏ mình trên đường vượt biển vượt biên.
Một nén hương này xin tưởng niệm đến những con người đã hy sinh vì nghĩa cả cho nền đạo của tổ tiên, tự do của dân tộc, sự sống của giống nòi.

Và  một nén hương này xin tưởng niệm đến các bậc Thầy Tổ, mẹ cha, anh em, bè bạn và tất cả đồng bào đã nằm xuống trong cả một thời non nước điêu linh đầy oan nghiệp của chặng đường hơn 50 năm ngắn ngủi mà đầy nỗi đớn đau này.