Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, nhiều người bị bắt, hành hung
Cập nhật: 03.06.2013 16:46
Nhà cầm quyền có thể vu cho chúng tôi nào là thách thức, phản động. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ rằng Biển Đông của ông cha để lại, chúng ta phải giữ, phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Có thể nhà cầm tù bắt bỏ tù hay đánh đập tôi và bạn bè tôi, nhưng trước mọi người kể cả nhà cầm quyền tôi vẫn khẳng khái nói rằng tôi đi với một tinh thần yêu nước
Cuộc tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông quy tụ hàng trăm người tham gia diễn ra sáng ngày 2/6 đã nhanh chóng bị an ninh trấn dẹp bằng võ lực. Ít nhất có có 25 người biểu tình bị bắt đưa về Trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, nơi từng giam giữ bà Bùi Thị Minh Hằng, một gương mặt biểu tình chống Trung Quốc được nhiều người biết đến.
Các vụ bắt bớ, hành hung đã dẫn tới một cuộc phản kháng ngay trước trại Lộc Hà vào chiều tối cùng ngày với hàng chục người nằm ra giữa đường để phản đối các hành động thô bạo của công an. Những người phản đối nói họ “phải nằm xuống để đất nước này phải đứng lên”.
Một người tham gia cuộc biểu tình và chứng kiến vụ việc từ đầu chí cuối, blogger Cường Hoàng Công, thuật lại với VOA Việt ngữ chi tiết sự việc.
Blogger Cường Hoàng Công: Khi có thông tin là những người bị bắt vào trại bị đánh, trong đó có anh Trương Văn Dũng bị rất nặng, anh em bên ngoài yêu cầu không được đánh. Thế là xảy ra xô xát giữa những người phản đối công an đánh người bị giữ với lực lượng an ninh bên ngoài. Sự phản đối này dẫn tới đỉnh điểm là họ đánh những người phía ngoài trong đó có Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Chí Đức bị đánh rất đau. Sau đó, người ta bắt Nguyễn Văn Phương lên xe bít bùng định chở đi đâu đó. Không biết cách nào để giữ lại, chúng tôi bèn nằm xuống đất để họ chở Phương đi thì cứ cán chết chúng tôi ở ngoài. Tất cả anh em chúng tôi nằm ra đường. Cuối cùng phía công an đành phải thả Phương ra.
VOA: Cuối cùng trong số những người đi phản đối việc bắt người có ai bị bắt không?
Blogger Cường Hoàng Công: Không, chỉ xảy ra xô xát.
VOA: Sau phản ứng của nhóm, công an thả những người đang bị giữ bên trong trại ra?
Blogger Cường Hoàng Công:
Lúc chúng tôi phản ứng đấy gần như họ đã ra khỏi trại gần hết rồi. Phản ứng này xảy ra khi họ đánh anh Trương Văn Dũng từ bên trong trại rồi ném ra như một thứ đồ vật, chúng tôi mới bức xúc, đâm ra to tiếng. Công an thì họ hung hãn. Ngày hôm qua lực lượng công an rất hung hãn, dùng bạo lực để đàn áp những người biểu tình.
VOA: Trước đây các cuộc biểu tình tương tự cũng đã bị trấn áp. Là người từng tham gia và chứng kiến các vụ việc đó, anh so sánh thế nào giữa lần này với các lần trước?
Blogger Cường Hoàng Công
: Hôm qua là ngày cực kỳ căng thẳng. Họ đấm đá. Những phóng viên nước ngòai cũng bị họ khống chế. Chính quyền quyết tâm đè bẹp ngay. Họ bắt tổng cộng 4 đợt. Sau đợt thứ ba, mọi người bắt tay nhau đi về đến bãi gửi xe thì họ lại bắt đợt nữa. Chúng tôi đi được gần 1 vòng bờ Hồ thì bị 4 đợt bắt giữ có hành hung. Buổi chiều ở Lộc Hà có thể gọi là bạo lực vì rất nhiều người bị đánh công khai.
VOA: Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không được nhà nước chấp nhận và đã xảy ra nhiều lần trấn áp. Dẫu biết việc làm không được nhà nước chấp nhận, nhưng vẫn tham gia, những người biểu tình muốn gửi ra thông điệp gì, phải chăng là hành động thách thức chính quyền?
Blogger Cường Hoàng Công:
Nhà cầm quyền có thể vu cho chúng tôi nào là thách thức, phản động. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ rằng Biển Đông của ông cha để lại, chúng ta phải giữ, phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Có thể nhà cầm tù bắt bỏ tù hay đánh đập tôi và bạn bè tôi, nhưng trước mọi người kể cả nhà cầm quyền tôi vẫn khẳng khái nói rằng tôi đi với một tinh thần yêu nước. Chúng tôi hết sức ôn hòa, căng biểu ngữ ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’, ‘Không được bắn giết ngư dân Việt’. Có thể hôm nay chúng tôi không cảm hóa được ai nhưng ngày nào đó sẽ có rất nhiều người hiểu ra vấn đề này vô cùng quan trọng. Đàng và nhà nứơc lúc nào cũng nói rằng là (chuyện Biển Đông) đã có đảng và nhà nước lo, nhưng tại sao ngư dân mình vẫn bị đe dọa. Không mong gì đòi được Hoàng Sa-Trường Sa trong ngày một ngày hai, nhưng ngư dân Việt phải được đảm bảo cuộc sống. Ngày mai tự nhiên ai đó đến cắt nguồn cơm của bạn đi, đương nhiên bạn cũng sẽ phải lên tiếng. Chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng Việt Nam đang có những người bị (Trung Quốc) cắt miếng cơm manh áo như thế.
VOA: Những người biểu tình chống Trung Quốc suy nghĩ thế nào về cách phản ứng của nhà nước?
Blogger Cường Hoàng Công: Chính quyền này luôn luôn từ xưa đến nay vẫn như thế thôi, tôi cũng chả muốn bình luận gì nữa vì mất hoàn tòan niềm tin, chỉ muốn nhắc nhở cộng đồng rộng lớn hãy lên tiếng bảo vệ mảnh đất quê hương.
VOA: Quan điểm của nhà nứơc là họ không cấm thái độ yêu nước, bảo vệ chủ quyền, nhưng họ cấm các cuộc tụ tập đông người không xin phép. Đó là lý do họ trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ý kiến của anh thế nào?
Blogger Cường Hoàng Công:
Đấy cũng chỉ là sự đánh tráo từ ngữ thôi. Khi người ta không đủ mạnh, không đủ niềm tin, thì người ta sẽ sợ nhiều thứ. Khi có chính nghĩa trong tay, tôi nghĩ có khi nhà nứơc cần phải mời dân đi biểu tình đấy chứ.
Tàu cá QNG 90917 TS thuộc tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân Việt hôm 20/5 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho hay đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc.
Việt nam nói tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh xử lý nghiêm khắc các hành vi này, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt, và không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Đáp lại, Trung Quốc nói tố giác này của Việt Nam là “hoàn toàn sai trái” vì “tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc trái phép”.
Xem hình ảnh cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 2/6/2013.
Xem video tổng hợp những diễn biến chính của cuộc biểu tình
Nguồn tin VOA