24.8.14

Tiền chống thi trượt



Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 24.8.2014 
 
 
           Cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả
 
                                          
 
Trong tuần qua, hơn 40,000 người đã xếp hàng nộp đơn thi vào ngành thuế trên toàn quốc, mặc dù ngành này chỉ tuyển dụng 1,700 nhân viên. Ngành thuế được xem là tốt để ăn hối lộ, còn được gọi là “ăn vặt” và là niềm mơ ước cho nhiều người. (Getty Images)
 
Cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả

                                  
                                                Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay ebola đang là thứ dịch khó chữa trên thế giới, nhưng ở VN chưa phát hiện thứ bệnh quái ác đó và dù có chăng nữa thì nó cũng chỉ hoành hành trong một khoảng thời gian rồi lại có thể bị chặn đứng. Ở VN có một thứ bệnh nguy hiểm hơn đã hoành hành từ lâu mà đến bây giờ không những không thể ngăn chặn mà nó còn có nguy cơ phát triển mạnh mẽ ngày càng nặng. Đó là thứ bệnh gian dối.

Có người cho rằng người ta phải sống bằng 2 mặt, bởi cái hội chứng “sợ đủ thứ” nên buộc người ta phải nói dối với khẩu hiệu “nói dối để tồn tại.” Lâu dần rồi thành thói quen, “nó nói thế mà không phải thế,” chẳng ai tin ai được cả. Điều nguy hiểm hơn, nó lây từ dân sự sang cả lĩnh vực hành chánh từ tỉnh đến bộ, nó nhảy cả sang lãnh vực giáo dục và nhân cách của giới trí thức.

Trong thời gian này dư luận lại đang sôi sục vì những vụ việc vừa được phát hiện xung quanh những gian trá của lớp người được coi là “trí thức” trong xã hội. Những người có kiến thức, thường được kính nể thuộc vào hàng thượng đẳng trong xã hội, nhất là ở VN như một “định kiến” đã hình thành từ xa xưa.

Nhưng tiếc thay đến nay đã có quá nhiều những chuyện gian trá xảy ra trong cái “thế giới được kính trọng” ấy. Có những nhà trí thức đã đánh mất danh dự, bỏ quên nhân cách của mình chỉ vì đồng tiền. Như thế làm sao xã hội không đảo điên được. Lũ học trò và con cháu họ sẽ chịu ảnh hưởng khốc liệt vì những bài học phản phúc lương tâm này.

Mới đây dư luận lại rộ lên với những chuyện vừa khôi hài vừa quá “bẩn” ở mấy trường Đại học, ở cả cái gọi là “Trung tâm văn hóa” nhìn thật đồ sộ trang nghiêm và ngay đến cả kỳ thi tuyển công chức vào làm việc ở những bộ ngành quan trọng của đất nước cũng có gian lận.

Thật ra thì chẳng phải chỉ có mấy “trung tâm” ấy mà nó xảy ra ở nhiều nơi, chỉ có điều nơi nhỏ nơi lớn, nơi bị khám phá không thể che giấu được, nơi được che đậy kín đáo hoặc bị nhận “chìm xuồng” cho đỡ mất mặt. Nhưng chẳng có nơi nào che mắt được người dân, nó vẫn là những dư luận âm ỷ như ung thư ủ bệnh trong đời sống con người. Quá nhiều chuyện đáng nói, ở đây tôi chỉ tường thuật vài vụ gần nhất:

Nộp tiền ‘chống trượt’

                                  
                                               Danh sách 40 học viên đóng tiền “chống trượt.”
 
Quý vị đã nghe thấy từ này bao giờ chưa? Từ thượng cổ tới nay, tôi mới chỉ nghe thấy nộp tiền “chống trượt” là lần đầu. Thoạt nghe tôi cứ nghĩ lại là môt thứ “thuế phí mới” ở nông thôn, người dân phải nộp thuế để các ủy ban sửa đường làng, vốn là những con đường đất, cho dân đi lại không bị trơn trượt. Nhưng không phải thế, nộp tiền “chống trượt” ở đây là “không bị giám khảo cuộc thi đánh trượt” hay còn gọi là “không bị thi rớt.” Rất rõ ràng đây là một kiểu ăn tiền công khai. Những thí sinh đi thi hoàn toàn tin rằng chỉ việc nộp thứ tiền này là chắc đậu trăm phần trăm.

Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2013, nghe thông tin tuyển sinh lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, hơn 50 học viên đã nộp đơn dự thi. Trung tâm Giáo dục thường xuyên sau khi thu hồ sơ đã phối hợp với ĐH Kinh tế tổ chức cho các học viên học một số chuyên đề chuyển đổi kiến thức để họ có đủ điều kiện ghi tên dự thi.

Học xong phần chuyển đổi kiến thức, một số cán bộ Phòng Quản lý đào tạo đã thông báo: những ai muốn đỗ lớp Thạc sĩ Kinh tế sắp tới thì ngoài số tiền ôn thi nộp cho ĐH Kinh tế theo dự trù, cần nộp thêm 27 triệu đồng ($1,275 đô) để được giúp "chống trượt.” Tổng cộng đã có 40 học viên nộp hơn một tỷ đồng để lo lót cho kỳ thi được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2013 tại Hà Nội.
 
Quá nửa là các quan chức đang làm việc ở các cơ quan từ huyện đến tỉnh
 
Trong danh sách 40 học viên đóng tiền thì 29 người là cán bộ công chức nhà nước đang làm việc ở một số huyện, thị và sở, ban ngành trong tỉnh Thanh Hóa. Gồm có các quan chức đang làm việc tại Sở Công Thương có 3 người, Chi cục Thuế 5 người, Sở Kế hoạch Đầu tư 3 người, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện mắt, Huyện ủy Quảng Xương, Huyện ủy Triệu Sơn, Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa… mỗi đơn vị có một người. Trong đó, nhiều người là cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ thuộc diện có thể đưa lên làm sếp lớn ở các ban ngành. Có lẽ cũng chính vì thế nên các vị này cần phải có một tấm bằng thạc sĩ cho bọn cấp dưới nó sợ. Đối với các vị này thì số tiền 27 triệu để chống trượt chẳng thấm thía gì, như muỗi đốt gỗ.

Ba cán bộ Phòng Quản lý đào tạo của trung tâm gồm các ông Bùi Sĩ Hồng (Trưởng phòng), Lê Trọng Sơn (Phó trưởng phòng) và bà Lê Thị Liên (giáo viên) đã tổ chức thu tiền của 40 học viên.
Vì đâu nên nỗi

Thế nhưng, khi có kết quả kỳ thi, trong số 40 vị đã nộp tiền chống trượt, chỉ có 7 vị đỗ, còn lại 33 vị trượt vẫn hoàn trượt. Tức mình vì bị lừa nên các vị này kéo đến trung tâm yêu cầu trả lại tiền, đồng thời tố cáo sự việc với cơ quan điều tra.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác xác minh vụ việc, sau đó ra quyết định cảnh cáo ông Bùi Sĩ Hồng và bà Lê Thị Liên, ông Lê Trọng Sơn bị khiển trách.

Hình thức kỷ luật như thế là quá nhẹ. Ở một Trung tâm giáo dục mà quan chức quản lý lại đi lừa gạt thì cần phải áp dụng luật pháp nặng hơn mới đúng. Phạt cái kiểu cảnh cáo hay khiển trách qua loa như không phạt, chỉ là cách chạy tội cho nhau mà thôi. Dư luận một lần nữa lại bất bình nổi sóng.

Trước sức ép của dư luận, UBND Thanh Hóa sau đó đã yêu cầu Sở GD&ĐT phải kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc.

Tại kết luận thanh tra mới ban hành, Sở Giáo dục đã đề nghị hủy bỏ quyết định kỷ luật với ba cán bộ Phòng Quản lý đào tạo ban hành ngày 18/12/2013, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức xét kỷ luật ba cán bộ trên thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong kết luận thanh tra, Sở Giáo Dục đề nghị UBND tỉnh chỉ thị cho các sở, ban, ngành, huyện thị có học viên đã đóng tiền “chống trượt” phải tổ chức kiểm điểm, xử phạt nghiêm cán bộ công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý.

Nếu các vị bị trượt biết thân biết phận thì “cắn răng chịu đòn lừa” là êm re hết, chẳng ai biết ma ăn cỗ ở chỗ nào. Nhưng quá giận mất khôn, đến nay sự việc đã tóe tòe loe ra cả nước cùng biết nên cùng chịu phạt và mang tiếng xấu khó rửa sạch vì cái thói ham mê danh vọng. Ôi danh tiếng của cả một trung tâm giáo dục “hoành tráng” nay đã tan tành xíu oách.

"Con cháu" các Cụ cả

Chuyện thứ hai, cách đây 9 tháng (10/2013), lần đầu tiên Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tổ chức thi tuyển công chức theo phân cấp của Bộ Công Thương. Có tới 299 thí sinh ghi tên xin thi nhưng chỉ tuyển có 10 người (tỉ lệ chọi 1/30). Sau khi công bố kết quả, nhiều đơn thư khiếu nại tố giác cuộc thi lộ đề và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là “toàn 5C” tức là “con cháu các cụ cả” của những quan chức trong Cục!

Trước các nghi vấn trên, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) Bộ Công An vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này. Theo bản danh sách thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức Cục QLTT (Bộ Công Thương) công bố kèm theo công văn số 21 của Cục QLTT ngày 24/12/2013 có 10 người trúng tuyển. Thực tế, khi điều tra, PV báo Tiền Phong phát hiện trong 10 thí sinh trúng tuyển đã có 5 người là con, cháu, nhân viên trong ngành Công Thương.

Danh sách khá dài nên tôi chỉ tóm tắt đó là con cháu của các ông Đỗ Thanh Lam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cục QLTT.

Cháu của ông Đào Minh Hải, nguyên Cục phó QLTT, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương, hiện là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương. Con của ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội). Ngoài ra, trong danh sách trúng tuyển còn có hai người trước khi dự thi là nhân viên hợp đồng tại Cục QLTT. Còn ai nữa thì chưa biết vì có thể họ trúng tuyển theo kiểu khác hoặc họ hàng xa tít mù tắp được gửi gấm.

Anh Trần Hưng Thái sinh năm 1984, đã lấy bằng thạc sĩ tại Singapore, ghi tên thi vào Phòng Tuyên Truyền và Quan Hệ Đối Ngoại (phòng này chỉ lấy 2 người). Trong 5 môn thi, anh Thái được miễn thi môn ngoại ngữ và tin học. Kết quả, anh Thái có tổng số điểm 297, xếp thứ ba. Nhưng vẫn trượt vì chỉ môn này chỉ lấy 2 người .

Anh Thái còn cho biết người ta mang tài liệu vào phòng thi, mặc sức chép. Cũng theo anh Thái, tại phòng thi của anh, sau khi bóc đề thi, đã có thí sinh đứng dậy bỏ về ngay và tuyên bố “thi thế này thì gọi là kỳ thi công bằng hay không, khi có người đã biết trước mình đỗ.” Sau đó, thí sinh đó bỏ về mà không ai ngăn cản. Thậm chí ở phòng thi bên cạnh, có thí sinh dọa đánh giám thị, to tiếng rồi bỏ về.

Người dân thường nói “cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả” thì người dân không chằng không rễ không còn chỗ đứng, dù có tài giỏi đến đâu.

Trước những dư luận đó Bộ Công Thương ra thông báo quyết định hủy kết quả kỳ thi, đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật những cán bộ Cục QLTT sai phạm.

Bộ Công Thương đồng ý với các hình thức kỷ luật, hạ bậc lương đối với ông Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Pháp chế) và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Lê (Phó phòng Pháp chế) đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc bảo mật đề thi (trao đổi với 4 thí sinh tham gia thi tuyển công chức. Hình thức kỷ luật nêu trên đã xét đến… tình tiết giảm nhẹ của cán bộ vi phạm như là thương binh, sắp nghỉ hưu và có nhiều đóng góp, có thái độ thành khẩn nhận sai phạm.

Là cán bộ sướng thật. Dân chỉ ăn cắp con gà con chó cũng tù vài năm, có khi còn bị đánh đấm tơi tả; quan gian dối chỉ bị phạt nhẹ vì có nhiều thành tích. Thế nên anh nào làm quan cũng thích lập thành tích, bất chấp thủ đoạn.

Chỉ cần 2 đến 3 triệu đồng mua được điểm đậu vào đại học

                                     
                                                Khu giảng đường Trường ĐH Quy Nhơn.
 
Đó là chuyện xảy ra tại Đại Học Quy Nhơn. Sinh viên (SV) được nâng điểm có ở nhiều khoa, chủ yếu là khoa Kinh tế - Kế toán và Tài chính - Ngân hàng - Quản trị kinh doanh. Phòng Đào tạo và các khoa liên quan của Trường ĐH Quy Nhơn được xác định có dấu hiệu thực hiện việc nâng điểm. Khóa 33 Trường ĐH Quy Nhơn có 3.734 SV Đại học Cao đẳng hệ chính quy được công nhận kết quả tốt nghiệp. Đây cũng là khóa đầu tiên của trường đào tạo theo hình thức tín chỉ.

Giữa tháng 4/2014, khi biết số điểm tổng kết các môn học theo hình thức tín chỉ của mình không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, S. rất lo lắng. Nghe nhiều người mách nước, S. tìm đến một SV học cùng khóa trong trường nhờ giúp đỡ. Sau khi “nghiên cứu” bảng điểm của S., SV này quả quyết chỉ cần chi 3 triệu đồng ($142) mua điểm môn tài chính doanh nghiệp thì điểm tổng kết sẽ đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

S. liền đưa đủ số tiền cho bạn. Sau đó không lâu, S. kiểm tra trên mạng thì quả nhiên thấy điểm môn tài chính doanh nghiệp được nâng lên, dẫn đến điểm tổng kết đạt trung bình nên được xét công nhận tốt nghiệp. Chạy điểm trót lọt, cuối tháng 6-2014, S. nghiễm nhiên được nhận bằng tốt nghiệp ĐH.

                                      
                                              Lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 33, Trường ĐH Quy Nhơn.
                                              Trong này có bao nhiêu SV mua điểm?
 
Không chỉ chạy điểm để được vớt từ rớt thành đậu và thăng hạng tốt nghiệp từ trung bình lên khá, khá lên giỏi, nhiều SV Trường ĐH Quy Nhơn còn bỏ tiền mua bảng điểm đẹp (như tốt nghiệp loại khá, giỏi…) để dễ xin việc!

TS Nguyễn Hồng Anh, hiệu trưởng, cho biết hiện vụ việc vẫn đang trong thời gian thanh tra, chưa có kết luận chính thức. “Kết quả thanh tra sẽ được công bố rõ ràng, minh bạch. Nhà trường sẽ làm rõ có hay không tiêu cực. Nếu phát hiện sai phạm thì ai sai sẽ bị xử lý nghiêm.” Lại một lời hứa “sẽ bị xử lý nghiêm.” Nghe quen tai như cụ cố Hồng gắt lên, “Biết rồi khổ lắm , nói mãi.” Câu nói bất hủ trong tiểu thuyết Số Đỏ đến nay vẫn nguyên giá trị và những vị có số đỏ vẫn ung dung phè phỡn trên lưng đám dân ngu vì cố tình bị làm cho ngu.
200 triệu đồng lấy được bằng tiến sĩ y khoa

                                    
                                               Ông Phó Giáo sư Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng,
                                               Đại học Y Thái Nguyên ra giá bằng tiến sĩ y khoa 200 triệu.
 
Bạn khó có thể tin được chuyện “thần sầu” này nhưng nó vẫn xảy ra. Một anh lái gỗ chi 200 triệu (gần $9,500) được hứa sẽ có bằng tiến sĩ y khoa. Câu chuyện khá dài tôi chỉ tóm tắt những nét chính.

Một anh phóng viên (PV) trong Nhóm PV Điều tra (Dòng Đời) giả làm “nghiên cứu sinh” tìm được người giới thiệu đã tìm gặp Phó Giáo Sư (PGS) Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên để nhờ vị Phó GS này tìm cách “tậu” cho tấm bằng Tiến sĩ Y khoa danh giá. Sau khi cá đã cắn câu anh PV lại thú thật mình chỉ là anh lái buôn gỗ. Tuy nhiên vị Phó giáo sư này vẫn thản nhiên hứa sẽ lấy cho anh ta cái bằng danh giá kia.

Sau khi câu chuyện đã cởi mở, ông Hoàn nói rõ trình tự trong “kỹ nghệ lấy bằng tiến sĩ” cho anh lái buôn gỗ, “Trước tiên, tôi sẽ viết cho cậu vài bài báo khoa học để đăng trên tạp chí Y Học Thực Hành. Mấy bài báo này sẽ ký tên cậu. Cậu chỉ việc tới tòa soạn, đưa cho họ mấy đồng rồi nhờ họ đăng bài, tôi sẽ có lời cho cậu.

                                     
                                                          Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
 
Ông Hoàn còn cẩn thận dặn dò thêm, “Việc tiếp theo, cậu phải nhờ các mối quan hệ của gia đình mình để có tên trong một cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó để khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ tin rằng cậu đã làm ở cơ quan, tổ chức đó chứ không phải là anh buôn gỗ. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi! Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn... đàn em của tôi thôi mà!” (Ý nói mấy vị trong hội đồng xét tuyển). “Việc cậu đi làm, cậu cứ đi. Tôi sẽ làm đề cương đề tài cho cậu” (đây là phần quan trọng nhất mà thí sinh phải trình bày trước Hội đồng các Giáo sư, Phó GS để được chấp nhận đậu đầu vào nghiên cứu sinh).

Trước tình hình trên, PV đồng ý sẽ lo giúp thầy Hoàn 100m2 gỗ nghiến loại dày 5cm.

Tại lần gặp thứ hai, PV đã một lần nữa hỏi về số tiền phải đưa cho Phó GS Đàm Khải Hoàn để lo chuyện đầu vào. Lần này, ông Hoàn đã đồng ý với mức giá 200 triệu đồng và cho tôi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.

Ngày 4-8-2014, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhìn nhận, “Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sĩ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!”

Chưa biết vụ này Trường Đại học Thái Nguyên sẽ xử ra sao. Dù xử thế nào thì đây cũng là vết nhơ cho trường và những bộ mặt thí thức đốn mạt đang làm tan nát lòng tin của thế hệ mai sau. Và vị Phó giáo sư này đã nổi tiếng như thế thì đã “sản xuất” ra bao nhiêu vị tiến sĩ giấy nằm rải rác ở các cơ quan nào đó rồi?
Đổ xô xin vào ngành thuế để được ‘ăn vặt’

                                      
                                                        Lò ấp tiến sĩ – Tranh khôi hài.
 
Có lẽ chính vì được “ăn vặt” mà nơi tuyển công chức ngành thuế đang là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Năm nay, toàn bộ ngành thuế chỉ cần tuyển dụng 1,700 nhân viên vào làm, phân bổ cho 21 Cục thuế các tỉnh, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Năm 2011, toàn ngành thuế chỉ cần tuyển vào hơn 2,000 người, có 51 Cục thuế tỉnh tổ chức thi tuyển và 12 Cục thuế tỉnh, thành phố được xét tuyển. Con số ghi tên thi ban đầu cũng cao ngất ngưởng, với 43,000 hồ sơ.

                              
                            Hàng ngàn người đội mưa xếp hàng nộp hồ sơ dự tuyển vào Cục Thuế
 
Hàng ngàn người đã xếp hàng mấy ngày giữa tuần qua để nộp hồ sơ thi tuyển công chức ngành thuế của TP Hải Phòng. Cùng thời gian này, gần 9,000 hồ sơ cũng được nộp để dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội. Trong 5 ngày tuần qua, khu vực trụ sở Cục Thuế Hà Nội ở phố Giảng Võ lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức.Nắng cũng như mưa, những gương mặt trẻ ngồi chờ la liệt ngoài vệ đường, trên bãi cỏ của dải phân cách, trên vỉa hè chờ đến lượt nộp hồ sơ. Có người đi lại mất 3-4 ngày mới đưa hồ sơ qua cửa.

Nhiều địa phương khác cũng thế, cứ mỗi lần tuyển cán bộ, công chức thì lại ùn ùn người tham dự. Có một số sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm, cứ thấy chỗ nào có thi tuyển là ghi tên. Nhưng thật ra còn có rất nhiều người vì ham chỗ làm “béo bở” trong số những “cửa quan nhiều bổng lộc và uy quyền” nhất tại VN hiện nay. Ngay cả Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã nói thẳng trước cán bộ ngành thuế, “Cán bộ thuế toàn ăn vặt. Ngay cả việc mua hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế.”
 
Xã hội băng hoại

Một điều đáng sợ nữa là ngay từ gia đình, học đường họ cũng đã được dạy dỗ học để kiếm mảnh bằng rồi nhảy ra kiếm tiền và danh vọng chứ không phải là giá trị của tri thức và thiếu hẳn cách biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Không có tài, không có người nhà đỡ đầu thì có tiền, chạy chọt để được vào làm công chức. Bởi vậy mới có câu, “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ....” Đối với đại đa số dân chúng, kiểu này có lâu rồi, nó bình thường như người ta đi chợ mua mớ rau, con cá. Người ta phải chạy nhiều thứ lắm, nào chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy vào đại học… thế thì chạy vào công chức không có gì lạ cả. Chỉ lạ là ngày càng có nhiều nhà trí thức trơ tráo ra sức kiếm đồng tiền bất lương bất cần đến nhân cách.

Hồi còi báo động về thời mạt vận của trí thức đang vang lên. Nếu các nhà trí thức không biết dừng lại hoặc các cơ quan có trách nhiệm về nền Giáo Dục VN không quyết tâm ngăn chặn thì xã hội sẽ băng hoại vô phương cứu chữa.
Văn Quang