6.10.14
Hà nội sau ngày di cư vào nam
Hà nội sau ngày di cư 1954
Một lần tới thăm, cháu Thu Lan, con ông Hòa, hỏi tôi:
“Bác ở Hà Nội mà cũng đi tị nạn à...?”
Nghe hỏi tự nhiên nên tôi chỉ cười: “Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng đi,...nữa là bác!”
Thực ra tôi đã không trốn thoát được từ lần đầu “vượt tuyến” vào miền Nam. Rồi thêm nhiều lần nữa và 2 lần “vượt biển,” vẫn không thoát.
Chịu đủ các “nạn” của chế độ Cộng Sản trong 27 năm ở lại miền Bắc, tôi không “tị nạn,” mà đi tìm tự do, trở thành “thuyền nhân,” đến nước Mỹ năm 1982.
Sinh trưởng tại Hà Nội, những năm đầu sống ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều câu hỏi như cháu Thu Lan, có người vì tò mò, có người giễu cợt. Thời gian rồi cũng hiểu nhau.
Tôi hằng suy nghĩ và muốn viết những dòng hồi tưởng, vẽ lại bức tranh Hà Nội xưa, tặng thế hệ trẻ, và riêng cho những người Hà Nội di cư.
Người dân sống ở miền Nam trù phú, kể cả hàng triệu người di cư từ miền Bắc, đã không biết được những gì xảy ra tại Hà Nội, thời người Cộng Sản chưa vận com-lê, đeo cà-vạt, phụ nữ không mặc áo dài.
Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt. Cộng Sản, chưa lộ mặt là Cộng Sản, tràn vào miền Bắc tháng 10 năm 1954. Người Hà Nội đã “di cư” vào miền Nam, bỏ lại Hà Nội hoang vắng, tiêu điều, với chính quyền mới là Việt Minh, đọc tắt lại thành Vẹm. Vì chưa trưởng thành, tôi đã không hiểu thế nào là...Vẹm!
Khi họ “tiếp quản” Hà Nội, tôi đang ở Hải Phòng. Dân đông nghịt thành phố, chờ “tàu há mồm” để di cư. Trước Nhà Hát Lớn, vali, hòm gỗ, bao gói xếp la liệt. Lang thang chợ trời, tôi chờ cha tôi quyết định đi Nam hay ở lại. Hiệp Ðịnh Geneve ghi nước Việt Nam chỉ tạm thời chia cắt, hai năm sau sẽ “tổng tuyển cử “ thống nhất. Ai ngờ Cộng Sản miền Bắc “tổng tấn công” miền Nam!
Gia đình lớn của tôi, không ai làm cho Pháp, cũng không ai theo Việt Minh. Cha tôi làm chủ một hãng thầu, nghĩ đơn giản là dân thường nên ở lại. Tôi phải về Hà Nội học.
Chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga Phạm Xá, nghĩa là hai chính quyền, hai chế độ, ngăn cách bởi một đoạn đường vài trăm mét, phải đi bộ hoặc xe ngựa. Người xuống Hải Phòng ùn ùn với hành lý để đi Nam, người đi Hà Nội là con buôn, mang “et xăng” về bán. Những toa tàu chật cứng người và chất cháy, từ chai lọ đến can chứa nhà binh, leo lên nóc tàu, bíu vào thành toa, liều lĩnh, hỗn loạn ...
Tới cầu Long Biên tức là vào Hà Nội.
Tầu lắc lư, người va chạm người.
Thằng bé chạc 15 tuổi, quắc mắt nhìn tôi: “Ðề nghị đồng chí xác định lại thái độ, lập trường tư tưởng..!” Tôi bàng hoàng vì thứ ngoại ngữ Trung Quốc, phiên âm thành tiếng Việt, nghe lần đầu không hiểu, để rồi phải “học tập” suốt 20 năm, “ngoại ngữ Cộng Sản”: đấu tranh, cảnh giác, căm thù và ...tiêu diệt giai cấp! (Thứ ngôn ngữ này ghi trong ngoặc kép).
Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng “chính sách “mới ban hành. “Cán bộ” và “bộ đội” chỉ khác nhau có ngôi sao trên mũ bằng nan tre, phủ lớp vải mầu cỏ úa, gọi là “mũ bộ đội,” sau này có tên là “nón cối.” Hà Nội “xuất hiện” đôi dép “Bình Trị Thiên,” người Bắc gọi là “dép lốp,” ghi vào lịch sử thành “dép râu.”
Chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha của thiếu nữ Hà Nội được coi là “biểu hiện” của “tư sản, phong kiến,” biến mất trong mười mấy năm sau, vì “triệt để cách mạng.”
Lần đầu tiên, “toàn thể chị em phụ nữ” đều mặc giống nhau: áo “sơ mi,” quần đen. Hãn hữu, như đám cưới mới mặc sơ mi trắng vì “cả nước” không có xà phòng.
Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam.
Tôi phải học năm cuối cùng, tú tài 2, cùng một số “lớp chín hậu phương,” năm sau sẽ sát nhập thành “hệ mười năm.” Số học sinh “lớp chín” này vào lớp không phải để học, mà là “tổ chức hiệu đoàn,” nhận “chỉ thị của thành đoàn” rồi “phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!”
Họ truy lùng...đốt sách! Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, hiệu đoàn “kiểm tra,” lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang “tập trung” tại thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày,
trong niềm “phấn khởi,” lời hô khẩu hiệu “quyết tâm,” và “phát biểu của bí thư thành đoàn”: tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn là ...” cực kỳ phản động!” Vào lớp học với những “phê bình, kiểm thảo...cảnh giác, lập trường,” tôi đành bỏ học.
Chiếc radio Philip, “tự nguyện “ mang ra “đồn công an,” thế là hết, gia tài của tôi!
Mất đời học sinh, tôi bắt đầu cuộc sống đọa đày vì “thành phần giai cấp,” “sổ hộ khẩu,” “tem, phiếu thực phẩm,” “lao động nghĩa vụ hàng tháng.” Ðây là chính sách dồn ép thanh niên Hà Nội đi “lao động công trường,” miền rừng núi xa xôi. Tôi chỉ bám Hà Nội được 2 năm là bị “cắt hộ khẩu,” ...đi tù!
Tết đầu tiên sau “tiếp quản,” còn được gọi là “sau hòa bình lập lại,” Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần nhàu nát, xám xịt, thái độ “ít cởi mở,” từ “nông thôn” kéo về chiếm nhà người Hà Nội di cư.
Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì những tin dồn và “chỉ thị”: ăn Tết “đơn giản, tiết kiệm.” Hàng hóa hiếm dần, “hàng nội” thay cho “hàng ngoại.”
Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm, tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà Nội.
Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam,” để rồi bị đấu tố là tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu.” Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua,” thành “tề ngụy,” hiệu đàn nhỏ phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời trong đói nghèo, khốn khổ. Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau này làm gì, sống ra sao, “phân tán,” chẳng ai còn gặp nhau, sợ thành “phản động tụ tập.”
“Chỉ thị Ðảng và Ủy Ban Thành” “phổ biến rộng rãi trong quần chúng” là diệt chó. “Toàn dân diệt chó,” từ thành thị đến “nông thôn.” Gậy gộc, giây thừng, đòn gánh, nện chết hoặc bắt trói, rồi đầu làng, góc phố “liên hoan tập thể.”
Lý do giết chó, nói là trừ bệnh chó dại, nhưng đó là “chủ trương,” chuẩn bị cho đấu tố “cải tạo tư sản” và “cải cách ruộng đất.” Du kích, công an rình mò, “theo dõi,” “nắm vững tình hình” không bị lộ bởi chó sủa. Mọi nơi im phăng phắc ban đêm, mọi người nín thở đợi chờ thảm họa.
Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải “cung cấp” một năm theo “từng người trong hộ.” Mẹ may thêm chiếc quần “đi lao động “ thì con nít cởi truồng. Người thành thị, làm cật lực, xây dựng cơ ngơi, có ai ngờ bị quy là “tư sản bóc lột”? nhẹ hơn là “tiểu tư sản,” vẫn là “đối tượng của cách mạng.”
Nông dân có dăm sào ruộng đất gia truyền vẫn bị quy là “địa chủ cường hào!” Giáo Sư Trương Văn Minh, hiệu trưởng trường Tây Sơn, ngày đầu “học tập,” đã nhày lầu, tự tử.
“Tư sản Hà Nội” di cư hết, chẳng còn bao nhiêu nên “công tác cải tạo được làm “gọn nhẹ” và “thành công vượt mức,” nghĩa là mang bắn một, hai người “điển hình,” coi là “bọn đầu xỏ” “đầu cơ tích trữ,” còn thì “kiểm kê,” đánh “thuế hàng hóa,” “truy thu,” rồi “tịch thu” vì “ngoan cố, chống lại cách mạng!”
Báo, đài hàng ngày tường thuật chuyện đấu tố, kể tội ác địa chủ, theo bài bản của “đội cải cách” về làng, “bắt rễ” “bần cố nông,” “chuẩn bị thật tốt,” nghĩa là bắt học thuộc lòng “từng điểm”: tội ác địa chủ thì phải có hiếp dâm, đánh đập, bắt con ở đợ, “điển hình” thì mang thai nhi cho vào cối giã, nấu cho lợn ăn, đánh chết tá điền, hiếp vợ sặc máu ...!
Một vài vụ, do “Ðảng lãnh đạo,” “vận động tốt,” con gái, con dâu địa chủ, “thoát ly giai cấp,” “tích cực” “tố cáo tội ác” của cha mẹ. Cảnh tượng này thật não nùng! Lời Bác dạy suốt mấy mươi năm: “Trung với đảng, hiếu với dân ...” là vậy!
“Bần cố nông” cắm biển nhận ruộng được chia, chưa cấy xong hai vụ thì “vào hợp tác,” “làm ăn tập thể,” ruộng đất lại thu hồi về “Cộng Sản.”
“Toàn miền Bắc” biết được điều “cơ bản” về XÃ hội chủ nghĩa là... nói dối! Mọi người, mọi nhà “thi đua nói dối,” nói những gì đảng nói. Nói dối để sống còn,
“đàn áp,” lâu rồi thành “nếp sống,” cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối, vì được “rèn luyện” trong xã hội ngục tù, lấy “công an” làm “nòng cốt” chế độ.
Ở Mỹ, ai hỏi bạn: “How are you?”
Bạn trả lời: “I'm fine, thank you.”
Ở miền Bắc, thời đại Hồ Chí Minh, “cán bộ” hỏi: “công tác” thế nào, dù làm nghề bơm xe, vá lốp, người ta trả lời: “...rất phấn khởi, ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng... các nước anh em!”
Bị bắt bên bờ sông Bến Hải, giới tuyến chia hai miền Nam Bắc, năm 19 tuổi, tôi bị giong về Lệ Thủy bởi “bộ đội biên phòng,” được “tự do” ở trong nhà chị “du kích” hai ngày, đợi đò về Ðồng Hới. Trải 9 trại giam nữa thì về tới Hỏa Lò Hà Nội, vào xà lim. Cảnh tù tội chẳng có gì tươi đẹp, xã hội cũng là một nhà tù, không như báo, đài hằng ngày kêu to: “Chế độ ta tươi đẹp.”
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ, người tù “biến chất,” người tứ chiến kéo về, nhận là người Hà Nội, đói rét triền miên nên cũng “biến chất!” Ðối xử lọc lừa, gia đình, bè bạn, họ hàng, “tiếp xúc” với nhau phải “luôn luôn cảnh giác.” Hà Nội đã mất nền lễ giáo cổ xưa, Hà Nội suy xụp tinh thần vì danh từ “đồng chí!”
Nằm trong xà lim, không có ngày đêm, giờ giấc, nghe tiếng động mà suy đoán “tình hình.” Ánh điện tù mù chiếu ô cửa sổ nhỏ song sắt, cao quá đầu, tôi đứng trên xà lim, dùng ngón tay vẽ chữ lên tường, “liên lạc” được với Thụy An ở xà lim phía trước.
Thụy An là người Hà Nội ở lại, “tham gia hoạt động “Nhân Văn Giai Phẩm, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, sau chuyển lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà đã dùng đũa tre chọc mù một mắt, nói câu khí phách truyền tụng: “Chế độ này chỉ đáng nhìn bằng nửa con mắt!”
Người du lịch Việt Nam, ít có ai lên vùng thượng du xứ Bắc, tỉnh Lào Cai, có trại tù Phong Quang hà khắc, có thung lung sâu heo hút, có tù chính trị chặt tre theo “định mức chỉ tiêu.” Rừng núi bao la, tiếng chim “bắt cô trói cột,” nấc lên nức nở, tiếng gà gô, thức giấc, sương mù quanh năm.
Phố Hàng Ðào Hà Nội, vốn là “con đường tư sản,” có người trai trẻ tên Kim, học sinh Albert Sarreaut. Học trường Tây thì phải chịu sự “căm thù đế quốc” của đảng, “đế quốc Pháp” trước kia và “đế quốc Mỹ” sau này.
Tù chính trị nhốt lẫn với lưu manh, chưa đủ một năm, Kim Hàng Ðào “bất mãn” trở thành Kim Cụt, bị chặt đứt cánh tay đến vai, không thuốc, không “nhà thương” mà vẫn không chết.
Phố Nguyễn Công Trứ gần Nhà Rượu, phía Nam Hà Nội, người thanh niên đẹp trai, có biệt danh Phan Sữa, giỏi đàn guitar, mê nhạc Ðoàn Chuẩn,
đi tù Phong Quang vì “lãng mạn.” Không hành lý nhưng vẫn ôm theo cây đàn guitar. Chỉ vì “tiểu tư sản,” không “tiến bộ,” nen không có ngày về...!
Ba tháng “kỷ luật,” Phan Sữa hấp hối, khiêng ra khỏi cổng trời cao vút, gió núi mây ngàn, thì tiêu tan giấc mơ tình nghệ sĩ !
Người già Hà Nội chết dần, thế hệ thứ hai, “xung phong,” “tình nguyện” hoặc bị “tập trung” xa rời Hà Nội. Bộ Công An “quyết tâm quét sạch tàn dư đế quốc, phản động,” nên chỉ còn người Hà Nội từ “kháng chiến” về, “nhất trí tán thành” những gì đảng ...nói dối!
Tôi may mắn sống sót, dù mang lý lịch “bôi đen chế độ,” “âm mưu lật đổ chính quyền,” trở thành người “Hà Nội di cư,” 10 năm về Hà Nội đôi lần, khó khăn vì “trình báo hộ khẩu,” “tạm trú tạm vắng.” “Kinh nghiệm bản thân,” “phấn đấu vượt qua bao khó khăn, gian khổ,” số lần tù đã quên trong trí nhớ, tôi sống tại Hải Phòng, vùng biển.
Hải Phòng là cơ hội “ngàn năm một thuở” cho người Hà Nội “vượt biên” khi chính quyền Hà Nội chống Tàu, xua đuổi “người Hoa” ra biển, khi nước Mỹ và thế giới đón nhận “thuyền nhân” tị nạn.
Năm 1980, tôi vào Sài Gòn, thành phố đã mất tên sau “ngày giải phóng miền Nam.” Vào Nam, tuy phải lén lút mà đi, nhưng vẫn còn dễ hơn “di chuyển” trong các tỉnh miền Bắc trước đây.
Tôi bước trên đường Tự Do, hưởng chút dư hương của Sài Gòn cũ, cảnh tượng rồi cũng đổi thay như Hà Nội đã đổi thay sau 1954 vì “cán ngố” cai trị.
miền Nam “vượt biển” ào ạt, nghe nói dễ hơn nên tôi vào Sài Gòn, tìm manh mối. Gặp cha mẹ ca sĩ Thanh Lan tại nhà, đường Hồ Xuân Hương, gặp cựu sĩ quan Cộng Hòa, anh Minh, anh Ngọc, đường Trần Quốc Toản, tù từ miền Bắc trở về.
Ðường ra biển tính theo “cây,” bảy, tám cây mà dễ bị lừa. Chị Thanh Chi (mẹ Thanh Lan) nhìn “nón cối” “ngụy trang” của tôi, mỉm cười: “Trông anh như cán ngố, mà chẳng ngố chút nào!”
“Hà Nội, trí thức thời Tây, chứ bộ...! Cả nước Việt Nam, ai cũng sẽ trở thành diễn viên, kịch sĩ giỏi!”
Về lại Hải Phòng với “giấy giới thiệu” của “Sở Giao Thông” do “móc ngoặc” với “cán bộ miền Nam” ở Sài Gòn, tôi đã tìm ra “biện pháp tốt nhất” là những dân chài miền Bắc vùng ven biển. Ðã đến lúc câu truyền tụng “Nếu cái cột điện mà biết đi....,” dân Bắc “thấm nhuần” nên “nỗ lực” vượt biên.
Năm 44 tuổi, tôi tìm được Tự Do, định cư tại Mỹ, học tiếng Anh ngày càng khá, nhưng nói tiếng Việt với đồng hương, vẫn còn pha chút “ngoại ngữ “Hanoi năm xưa.
Cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã đến “mức độ” khốn cùng, nên tan nát, thương đau. Khi đã lang thang “đầu đường xó chợ” thì mới đủ “tiêu chuẩn” “xuống thành phần,” lý lịch có thể ghi là “dân nghèo thành thị,” nhưng vẫn không bao giờ được vào “công nhân biên chế nhà nước.”
Tôi mang nhẫn nhục, “kiên trì” sang Mỹ, làm lại cuộc đời nên “đạt kết quả vô cùng tốt đẹp,” “đạt được nguyện vọng” hằng ước mơ!
Có người “kêu ca” về “chế độ tư bản” Mỹ tạo nên cuộc sống lo âu, tất bật hàng ngày, thì xin “thông cảm” với tôi, ngợi ca nước Mỹ đã cho tôi nhân quyền, dân chủ, trở thành công dân Hoa Kỳ gốc Việt, hưởng đầy đủ “phúc lợi xã hội,” còn đẹp hơn tả trong sách Mác Lê về giấc mơ Cộng Sản.
Chủ nghĩa Cộng Sản xụp đổ rồi.
Cộng Sản Việt Nam bây giờ “đổi mới.”
Tiếng “đổi” và “đổ” chỉ khác một chữ “i.” Người Việt Nam sẽ cắt đứt chữ “i,” dù phải từ từ, bằng “diễn biến hòa bình.” Chế độ Việt Cộng “nhất định phải đổ,” đó là “quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại.”
Ôi!
“Ðỉnh cao trí tuệ,” một mớ danh từ..
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)