11.6.13

Máu xám

Máu xám Việt Nam


Trần Hoàng Sa
Tháng 6 là mùa Lễ Ra Trường của học sinh Trung học và sinh viên Đại học tại Mỹ và một số nước Tây phương.

Từ nhiều năm nay, đến dự những buổi lễ ra trường ấy, người ta thấy ngày càng nhiều những con em gốc Việt tốt nghiệp. Và trong số những cô cậu xúng xính áo mũ đó, không ít là những em tốt nghiệp thủ khoa, á khoa hoặc giành những vị trí đầu tiên trên các bảng vàng. Niềm hãnh diện to lớn biết bao, không chỉ riêng cho cha mẹ và gia đình các em mà toàn thể các cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều cảm thấy vui lây, tự hào và cảm thấy an ủi rất nhiều trong đời sống xa quê hương.
Ngoài thành tựu ở nhà trường, giới trẻ gốc Việt trên toàn thế giới cũng thành công không ít trong lãnh vực nghề nghiệp khi bước vào đời. Nhân đây, chúng tôi xin nhắc đến vài gương mặt thành đạt của người Việt ở nước ngoài.

Phó Thủ Tướng gốc Việt tại Cộng hòa liên bang Đức.
Trong số những người thuộc thế hệ trẻ thành công ở hải ngoại người ta không thể nào không nói đến Philip Rösler. Từ thân phận một đứa trẻ mồ côi VN, cậu bé này đã đạt được một thành tích có một không hai trong nền chính trị Đức.
Cuối năm 1973, một cậu bé mồ côi 9 tháng tuổi không rõ cha mẹ, không rõ họ tên trong một cô nhi viện ở Sóc Trăng đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi và đặt tên là Philip Rösler.
Theo cha mẹ nuôi về Đức, cậu bé mồ côi VN lớn lên, đi học và tốt nghiệp trung học với hạng A. Philip Rösler gia nhập quân đội Đức và được đào tạo thành sĩ quan quân y. Năm 2002, ông nhận được học vị Tiến sĩ y khoa.
Gia nhập đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) năm 1992, Philip Rösler được xem là ngôi sao đang nổi trên chính trường Đức. Năm 2000, lúc mới 27 tuổi ông đã là Tổng Thư ký đảng FDP ở tiểu bang Basse-Saxe. Đến năm 2009, ông tham gia Chính phủ Liên bang Đức, giữ chức Bộ trưởng Y tế. Tháng 5 năm 2011 khi bà Angela Merkel cải tổ nội các, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Liên bang. Cùng năm ông được bầu làm Chủ tịch đảng FDP và trở thành Phó Thủ tướng Đức. Ông Philip Rösler là người gốc Việt đầu tiên, duy nhất và trẻ nhất (lúc ấy mới 38 tuổi) nắm một vị trí quan trọng nhất nhì trong bộ máy chính quyền của một nước Âu châu dân chủ, văn minh và hùng mạnh.
image

Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ.
image
Tham gia chính quyền nước định cư, còn phải nhắc đến ông Đinh Việt, tại Hoa Kỳ.
Ông Đinh Việt đến Hoa Kỳ năm 1978, lúc ấy ông 10 tuổi. Ông có bằngTiến sĩ Luật của Đại học Harvard, năm 1993. Ông từng là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chính trị và pháp luật châu Á, Giám đốc Chương trình Hành chính doanh nghiệp và pháp luật.
Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Đinh Việt là Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ (cấp Thứ trưởng) từ năm 2001 đến năm 2003. Ở cương vị này, ông phụ trách Cục Chính sách Pháp lý (Office of Legal Policy) của Bộ Tư pháp. Ông cũng là tác giả đạo luật chống khủng bố Patriot Act sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 tại Trung Tâm Thương mại Quốc Tế New York. Hiện nay ông là Giáo sư Đại học Georgetown, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật và là Thư ký Tòa án tối cao Liên bang Hoa Kỳ.
Thần đồng của ngành y khoa Mỹ.
Thập niên 1970, gia đình anh James Nguyễn đến nước Mỹ và định cư tại thành phố Garden Grove thuộc bang California. Anh sinh ra và lớn lên tại đây (32 tuổi).
James Nguyễn trở thành thần đồng của ngành Y khoa Mỹ với nhiều thành tích xuất chúng khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn học phổ thông. Anh tốt nghiệp trường Đại học Santa Ana, California khi mới 14 tuổi. Sau đó, thần đồng này chuyển sang University of California (Irvine – NV) để học tiếp về ngành y và lại tốt nghiệp xuất sắc khi mới 16 tuổi. Cũng trong năm này, James trở thành phụ giảng ngành sinh lý học.
Năm 19 tuổi, James vào ngành y của ĐH St George và 4 năm sau trở thành bác sĩ nội trú thuộc Bệnh viện khu vực Orlando ở thành phố Orlando, bang Florida. Trong giai đoạn 3 năm làm bác sĩ nội trú tại đây, James hoàn thành một nghiên cứu được đánh giá hạng ưu ở cuộc thi giữa các trường y của nước Mỹ. Trong Hội nghị nội khoa 2009, nghiên cứu này vượt qua 420 bài trình bày khác để giành giải nhất. Năm 26 tuổi, James trở thành bác sĩ nội trú trưởng của khoa nội tại Bệnh viện UMC thuộc ĐH Arizona ở Tucson rồi nghiên cứu sâu về tim mạch tại đây cho đến nay.
(Theo website của ĐH Santa Ana)
image
James (hàng đầu tiên, thứ 3 từ phải sang) và các nghiên cứu sinh ở Đại học Arizona chụp hình cùng vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama
Người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.
image
Ông Trịnh Hữu Châu (tên Mỹ: Eugene Trinh) sinh năm 1950 tại Sài Gònvà lớn lên ở Paris (Pháp) từ năm 2 tuổi. Đến năm 1968, ông sang định cư tại Mỹ.
Ông tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1972, rồi sau đó hoàn thành luận án Thạc sĩ vật lý và triết học trong hai năm 1974 và 1975. Hai năm sau (1977), ông tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ vật lý ứng dụng ở Đại học Yale. Năm 1979, ông được nhận vào làm việc tại NASA tại phòng thí nghiệm về “sức đẩy phản lực”. Hiện tại, ông đang làm Giám đốc bộ phận khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở thủ đô Washington D.C.
Là một nhà vật lý thiên văn, ông Trịnh Hữu Châu tham gia vào chuyến bay STS-50 của NASA, và trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 25 tháng 6 năm 1992. Ông đã ở ngoài vũ trụ 13 ngày 19 giờ 30 phút.
Những dòng tiểu sử trên đây chỉ nêu lên vài trường hợp điển hình những thành tựu của những người gốc Việt định cư ở nước ngoài. Ngoài họ ra, còn có rất nhiều tấm gương sáng khác làm rạng danh con cháu VN. Rất tiếc khuôn khổ bài viết này không đề cập hết được. Mong rằng có một dịp khác để nói đến những nhân tài này một cách đầy đủ hơn.
Sau gần 40 năm xa xứ, phải nhìn nhận rằng, được đến những đất nước dân chủ với nền giáo dục văn minh phóng khoáng, con cháu chúng ta nhận được hành trang cần thiết cho tương lai trước mặt. Sống xa cội nguồn, bất chấp hoàn cảnh khó khăn, đôi lúc khá ngặt nghèo bi đát, nhờ tính hiếu học truyền thống, các em luôn hội nhập, biết vươn lên để thành công và thành nhân. Đó là niềm hãnh diện của mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Những thành công ấy là chứng tích cho sức mạnh và tài năng của cả một dân tộc. Tất cả chúng ta, nhất là những bậc phụ huynh, cần chăm sóc, vun trồng những hạt mầm tốt ấy của dòng giống, Và nhất là giữ gìn sao cho những vốn quý ấy luôn gần gủi với quê hương dân tộc.
Tuy nhiên, trong niềm tự hào, tác giả không khỏi có chút ngậm ngùi khi thấy con em chúng ta chỉ có thể thành công, yên bình xây dựng tương lai trên xứ người, còn ngay trên quê hương mình chưa chắc chúng vượt qua được bao thứ rào cản, từ lý lịch đến bất công, hẹp hòi, …
Có lúc tác giả tự nhủ nếu không có cặp vợ chồng cha mẹ nuôi người Đức thì ngày nay cậu bé mồ côi 40 năm xưa sẽ ra sao? Đang ở đâu và làm gì? Cái chế độ muốn “trồng người trăm năm” liệu sẽ làm được gì để trồng cậu ta thành một Philip Rösler như hôm nay?
Những Đinh Việt hay James Nguyễn có nên cám ơn một chính sách hà khắc, bạo quyền, độc diễn nào đó đã đẩy gia đình họ ly hương, nhờ đó họ mới có được sự nghiệp ngày nay?
Xót xa nhiều nhất là cho quê hương, đã chảy biết bao máu xám bởi giới lãnh đạo không biết trân trọng nhân tài, không thật lòng vì nước vì dân, thiếu một chính sách giáo dục đúng đắn để ngày nay biết bao tài năng VN thay vì phục vụ cho dân cho nước lại đang mang đến thật nhiều cống hiến cho những đất nước đang cưu mang họ. Mà điều ấy phải chăng chỉ là công bình?