25.4.13

Trí thức trước bạo quyền




Trí thức trước bạo quyền

Hay là

VAI TRÒ BIỂU TƯỢNG CỦA
TRI THỨC VIỆT NAM
TRƯỚC NỀN VĂN HOÁ THỨ BA
Trần Thanh Hiệp

Để mở lại Hồ sơ “trí thức” ở Việt Nam
            Nhân dân các nước vùng Bắc Phi Trung Đông đã nổi dậy, dưới nhiều hình thức khác nhau, với ý chí rõ rệt trục xuất ra khỏi vũ đài lịch sử những lãnh tụ và bộ máy cầm quyền độc tài, gian ác, tham nhũng, thối nát để thiết lập dân chủ.
            Trong khi đó, ở Việt Nam, trong nước, 50 nhà trí thức đã lấy sáng kiến đạo đạt lên tập đoàn cầm quyền đảng trị cộng sản ở Hà Nội, nguyện vọng và ý kiến của họ, mong thấy cơ cấu lãnh đạo này chu toàn nhiệm vụ chống xâm lược Trung Quốc, đối ngoại, mở rộng và củng cố quan hệ ngoại giao trên thế giới cũng như trong vùng, đối nội, cải thiện chế độ, thực hiện phát triển bền vững đất nước. Ở ngoài nước, một đằng, 36 nhân vật, nhân danh “trí thức hải ngoại”, đã gửi cho cho các “nhà lãnh đạo” cộng sản ở Hà Nội một “lá thư ngỏ” tỏ bày nguyện vọng trông đợi bộ máy cai trị đất nước sớm thực hiện một đợt cải cách cơ bản, có hiệu lực đoàn kết nhân dân, dân chủ hóa chế độ, xiết chặt hàng ngũ, chuẩn bị ứng phó với mối nguy ngoại xâm trước mặt, đến từ phương Bắc. Đằng khác, cũng từ nước ngoài, 14 nhà trí thức khác, đã lên tiếng bằng một văn thư, “chia sẻ [với nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội] suy nghĩ về một cuộc cải cách toàn diện cần thiết - cải cách thể chế - con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để phát triển đất nước”.
Việc làm này của các nhân vật văn hóa nói trên, tuy vậy, chỉ gặp được sự im lặng kéo dài của phía cầm quyền, nhưng đồng thời, trái lại, đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt ở phía dân chúng, nhất là trên các diễn đàn của người Việt ở ngoài nước.

Tình trạng đúng sai, phải trái lẫn lộn đã dẫn đến nhu cầu phải đặt lại cho rõ, trước công luận, vấn đề trí thức ở Việt Nam, đặc biệt về các mặt giá trị tri thức, vai trò, chức năng, trách nhiệm của trí thức trong đời sống xã hội. Mở lại hồ sơ “trí thức” như vậy là để thử trả lời cho câu hỏi đã được dư luận nêu lên, rằng, trước những sự thật hiển nhiên về bản chất phi-pháp, phi-nhân của chế độ cộng sản đang hiện hữu ở Việt Nam, trước những tội ác chồng chất  của chế độ này đối với nhân dân và, điều cần nhấn mạnh, trước sự kiện chế độ ấy đã cam tâm làm tay sai cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc - bá quyền vùng Trung Cộng - thái độ cũng như những ứng xử của các “trí thức” nhắc đến ở trên, có thể coi là thích đáng hay không?

Xin xác định ngay, việc duyệt xét này sẽ tạm gác sang bên cuộc tranh luận, chưa ngã ngũ, về các định nghĩa của danh từ trí thức, để chỉ chú trọng nhận diện, cho thật rõ thêm, hiện tượng xã hội có tên gọi là trí thức Việt Nam, trong quá khứ cũng như trong sinh họat chính trị chung hiện tại. Trí thức Việt Nam là những ai, họ đã giữ những vai trò xã hội nào và đã làm được những gì lợi ích cho đất nước v.v. ?

Ba ngộ nhận cần đính chính

Về điểm này có ba ngộ nhận cần được đính chính trước khi xét lại vấn đề trí thức ở Việt Nam.

Sự ngộ nhận thứ nhất là việc đồng hóa “kẻ sĩ “với “trí thức”. Vấn đề trí thức đã có tự ngàn xưa và dưới nhiều dạng thức khác nhau, cho nên có thể nói, nó đã được gắn liền với lịch sử, nó là một sản phẩm của lịch sử. Các dạng thức này thay đổi theo địa dư, bởi vậy, cái được gọi là trí thức ở phương Đông đã không giống cái được gọi là trí thức ở phương Tây. Tại Việt Nam, theo Nguyễn Công Trứ, kẻ Sĩ, nhân vật mang những tính cách mà ở phương Tây người ta coi như tương đương với trí thức, đã có vai trò xã hội [lâu đời rồi]: “tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” (tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên). Nhân vật “kẻ sĩ” này, thật ra, đã được du nhập từ Trung Quốc, nhưng chỉ dưới dạng đơn giản hóa, nên loại  hình “Sĩ” ở Việt Nam và loại hình “Sĩ” ở Trung Quốc, cả hai loại hình này không đồng nhất về hình thức cũng như về nội dung. Dù vậy, cả hai loại hình “Sĩ” đó đều khác với những nhân vật được gọi là “trí thức” ở phương Tây. Giáo sư Diệp Khải Chính, Khoa Xã hội học Trường Đại học Đài Loan, chủ trì rằng nguồn gốc của khái niệm “trí thức” ở phương Tây có thể tìm thấy nơi hai từ “intelligentsia” (tầng lớp trí thức) và “intellectuel”, “intellectual” (người trí thức).

Intelligentsia là một lớp người ở Nga và ở Ba Lan, có kiến thức cao, có óc phê phán và có tinh thần phản kháng đối với hiện trạng xã hội, họ hình thành nên một tầng lớp riêng biệt trong xã hội.

Còn intellectuel, tiếng Pháp hay intellectual, tiếng Anh, đã được dùng để chỉ một mẫu người như nhà văn người Pháp, Emile Zola, ngày 13-01-1898,  đã viết một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp, dưới đầu đề “Tôi lên án”, đòi hỏi xét xử lại Vụ án Dreyfus, bất công, vì đã dựa trên vu cáo. Bức thư ngỏ này lại đã được đăng trên tờ báo “Tia sáng”, dưới tựa đề “Tuyên ngôn của giới trí thức” (Manifeste des Intellectuels). Từ đó về sau, Intellectuels là tiếng dùng để chỉ những nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ nổi tiếng về học thuật, dám công khai ngay thẳng phê phán nền chính trị đương hành và, do đó, nó trở thành trung tâm của ý thức xã hội đương thời. Điểm cần lưu ý, người “trí thức, Intellectuel”, tuy rất quan tâm đến đất nước nhưng không mang ý nghĩa giai cấp xã hội, mà chỉ phản ánh tâm thái cá nhân cùng vai trò của mình trong xã hội.

Vậy nhìn dưới độ góc từ ngữ, có thể nói, theo quan điểm được tỏ bày từ phía chính những nhà nghiên cứu Trung Quốc,  “Sĩ” của Trung Quốc cổ đại khác với “Trí thức” của Phương Tây thời cận đại ở 2 điểm cơ bản: 

Một, “sĩ” của Trung Quốc không truy cầu tri thức như trí thức Phương Tây, mà lấy tư tưởng Nh


--