Về thành quả đấu tranh 38 năm qua
Từ gần một năm qua nhiều sự kiện liên quan đến Việt Nam (tình hình ở VN, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nội tình cộng đồng người Việt hải ngoại, v. v…) đã tác động không ít đến cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại.
Nổi bật nhất là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào mùa thu 2012 của một viên chức ngoại giao cao cấp của chính quyền cọng sản Việt Nam. Thông tin này không có gì đáng nói cho đến khi viên chức ấy đến thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas theo lời mời của bà Thị trưởng thành phố này. Chuyến đi này nằm trong khuôn khổ phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa Houston và Việt Nam và cũng để chuẩn bị dự án kết nghĩa chị em giữa Houston và Đà Nẵng, một dự án đã được bàn thảo trước đó vài tháng giữa thị trưởng 2 thành phố .
Tại đây, việc tiếp đón và sắp xếp chương trình làm việc của viên chức ngoại giao VN được Nghị viên Hoàng Duy Hùng (HDH) đảm trách. Xin nhắc lại ls HDH là nghị viên gốc Á châu duy nhất (và lại là người Việt Nam) trong Hội Đồng thành phố Houston và là thành viên Tiểu ban Quan hệ Quốc tế của HĐTP.
Ngoài những tiếp xúc thuần túy ngoại giao và quan hệ đối tác, thể theo yêu cầu của viên chức ngoại giao VN, Hội đồng thành phố đã tạo cơ hội cho ông ta gặp một số nhân sĩ và thương nhân gốc Việt của Houston. Tiếp theo chuyến viếng thăm ấy, đáp lời mời của Bộ Ngoại Giao VN, nghị viên HDH đã dẫn đầu một phái đoàn của thành phố Houston lên đường đến VN vào đầu năm 2013.
Điều gây sự chú ý của mọi người là ls HDH cũng là một người tích cực đấu tranh chống chế độ cộng sản tại Việt Nam từ nhiều thập niên. Trước đây, ls HDH từng cho biết đường lối đấu tranh mới của ông là đối thoại trực diện với chính quyền cộng sản VN. Ông đã khẳng định điều đó khi trả lời báo chí trong và ngoài nước trong chuyến đi Việt Nam vừa qua.
Trong bối cảnh trên, những chuyển biến trong cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại hiện lên rõ nét. Cùng lúc, những sự kiện vừa kể đã châm ngòi cho những tranh luận gay gắt về nhiều vấn đề chung quanh công cuộc đấu tranh chống chính quyền cộng sản tại Việt Nam kèm theo một loạt phản ứng trong cộng đồng người Việt quốc gia tại Hoa Kỳ và cả ngoài nước Mỹ.
Những phản ứng ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau.
Về hình thức, phổ biến nhất là những cuộc hội luận thông qua các hệ thống truyền thông và những ý kiến, phát biểu trên các diễn đàn mạng. Không ít khi những tranh luận đó biến thành tranh cãi, đả kích và có cả vài việc làm mang tính bạo động. Ngoài ra còn có những tin đồn khó kiểm chứng được rĩ tai giữa một số cá nhân và tổ chức rồi lan ra khắp cộng đồng.
Về nội dung, người ta thấy có nhiều ý kiến nghiêm chỉnh và đứng đắn, thường đến từ những người thật sự quan tâm đến tương lai cộng đồng và tiền đồ đất nước. Họ tranh luận, đặt dấu hỏi về một đường hướng đấu tranh hiệu quả. Nhưng tiếc thay cũng có những chỉ trích, thậm chí phỉ báng, cáo buộc hoặc tung tin gây nghi kỵ, hoang mang trong cộng đồng.
Dù vì bất cứ mục đích gì, loại phản ứng ấy hoàn toàn không có lợi cho hoạt động đấu tranh của người Việt quốc gia. Người viết bài này thiết nghĩ chúng ta cần hiểu và biết những gì đang lưu thông trong không khí mà mọi người trong cộng đồng đang hít thở để cùng suy ngẫm.
Cụ thể hơn, xin mạn phép nêu lên một phát biểu từ Houston. Tuy từ miệng một cá nhân nhưng chắc chắn đó cũng là ý nghĩ của một vài nhóm hay tổ chức nào đó trong cộng đồng. Mặc dù nhắm vào một cá nhân, việc làm ấy mang tính cách những cáo buộc, điển hình trong cuộc tranh cãi kịch liệt đang diễn ra trong các cộng đồng người Việt về đường hướng đấu tranh của người Việt hải ngoại.
Nội dung các cáo buộc đó như sau:
Tháng 3 vừa qua, ông HDH về Việt Nam không phải để đại diện cho thành phố Houston mà hoàn toàn vì mục đích cá nhân. Người cáo buộc khẳng định là ls HDH đã bàn bạc với phía VN để chuẩn bị mở một văn phòng dịch vụ pháp lý tại Houston để độc quyền giải quyết hồ sơ tài chính và di trú cho những đại gia trong nước.
Việc ls HDH chọn phương thức đấu tranh mới (đối thoại trực diện) và tiếp xúc với nhà cầm quyền cọng sản VN là “chà đạp lên thành quả 38 năm đấu tranh chống cọng sản của cộng đồng người việt quốc gia tại hải ngoại”.
Điều cáo buộc thứ nhất có vẻ nhằm hạ uy tín cá nhân. Do đó người viết bài này không thấy cần thiết phải bình luận vì những lời kết tội đó rất mơ hồ. Không những cho đến nay người cáo buộc vẫn không đưa ra được một chứng cớ nào mà cộng đồng cũng không thấy có dấu hiệu gì để kiểm chứng tin đồn ấy. Người viết bài xin dành trách nhiệm chứng minh cáo buộc thứ nhất lại cho tác giả của nó, cho dù đó là một cá nhân, một nhóm hoặc một tổ chức. Sau đó xin để cộng đồng phán xét dụng ý của những tác giả tung tin.
Điều mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ là cáo buộc thứ hai. Bài viết này không có tham vọng biện hộ cho bất cứ ai. Do tác giả lời cáo buộc khẳng định có sự “chà đạp lên thành quả 38 năm đấu tranh của cộng đồng người Việt quốc gia” nên người viết bài cảm thấy, vì nhu cầu thông tin, có trách nhiệm phải lên tiếng.
Đây quả là một đề tài vừa gai góc vừa cốt lõi nên chúng ta cần phân tích và xác định thật chính xác cái được gọi là “thành quả của 38 năm đấu tranh”.
Nói về đấu tranh chống chính quyền cộng sản tại Việt Nam thì không ai phủ nhận là 38 năm qua, người Việt ở hải ngoại đã đấu tranh một cách rất tích cực. Cuộc đấu tranh đó được thực hiện liên tục với 3 thành phần:
Thứ nhất là thành phần đấu tranh bằng tim óc. Đại diện cho thành phần này gồm có Liên Minh Dân Chủ VN do cố GS Nguyễn Ngọc Huy sáng lập, Cao Trào Nhân Bản của bs Nguyễn Đan Quế (đại diện tại Hoa Kỳ là bs Nguyễn Quốc Quân), Uỷ Ban Tranh đấu Nhân Quyền, Mạng Lưới Nhân Quyền VN, v.v. và v.v.…
Thứ hai là thành phần đấu tranh ồn ào, sôi nổi, bằng biểu tình, kiến nghị, cáo buộc, v.v.…
Thành phần cuối là loại đấu tranh “mượn hoa cúng Phật”, dùng hàng động gọi là đấu tranh để lừa bịp công luận làm mất lòng tin vào chính nghĩa của những ai có tâm huyết.
Nói đến thành quả đấu tranh thì thành phần thứ nhất là những cá nhân, tổ chức hoặc đảng phái đứng đắn và có trách nhiệm, chắc chắn họ có thể xác định được 38 năm qua những hình thức họ xử dụng đã mang lại thành quả gì.
Thành phần thứ hai, thường là những gương mặt hoặc tổ chức đã quen thuộc hoặc chưa, nhưng họ cần được biết đến. Ngoài việc xử dụng những hình thức ồn ào, phần lớn họ thường hành động tự phát, ít có tổ chức ăn sâu trong cộng đồng, nhằm đối phó nhất thời với thời sự nên e rằng việc tính sổ thành quả có phần khó khăn hơn.
Riêng thành phần thứ ba, vì không cùng mục đích đấu tranh với đại đa số trong cộng đồng nên thành quả nếu có, cũng không chắc là phù hợp với mong đợi của những người đấu tranh chân chính.
Tóm lại, trên thực tế, với tất cả sự khách quan của người viết bài, dù lạc quan bao nhiêu, cũng khó tìm thấy kết quả nào đáng ghi nhận sau 38 năm đấu tranh.
Về điểm này, xin mạn phép nhắc lại một trong số nhiều ý kiến trên các diễn đàn. Qua điện thư dưới tựa đề “Xin lời Giải đáp”, một vị đã viết trên diễn đàn mạng như sau:
“Sau 38 năm chống cộng bằng Kiến Nghị, Thông cáo, Thông Tư , Biểu Tình, v.v. của Cộng Đồng Người Việt hải ngoại mà không có tác dụng, ta có nên thay đổi Phương Thức Hành Động không ? Câu trả lời là CÓ hoặc KHÔNG (Tôi có thể đóan trước rằng 99% câu đáp là CÓ).” (trích ông TDT)
Không những khẳng định là những phương thức đấu tranh trong 38 năm qua “không có tác dụng”, ông TDT còn quả quyết là đa số người Việt hải ngoại sẽ chọn lựa “thay đổi Phương Thức Hành Động” (trích và viết hoa trong điện thư của tác giả).
Như vậy, nếu sau 38 năm đấu tranh mà không có kết quả đáng kể, “không có tác dụng”, thì làm sao có ai có thể “chà đạp lên thành quả đấu tranh” như lời cáo buộc thứ hai trên đây? Loại cáo buộc ấy cho người ta có cảm tưởng là tác giả (và những người hoặc tổ chức nhân danh "38 năm đấu tranh") dùng mọi phương tiện để chống phá và kết án bất cứ ý kiến hoặc khuynh hướng đấu tranh nào khác ý họ. Nhân danh lập trường đấu tranh cho dân chủ tại VN, họ khư khư giành độc quyền quyết định phương thức đấu tranh của người Việt tại hải ngoại.
Cũng như nhận xét của vị cư dân mạng trên đây, người viết bài xin kết luận bằng nhận định sau đây:
Trong lúc mưu cầu sự sống trên các đất nước tự do, những cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại đã làm tất cả những gì có thể làm được mà kết quả lại rất khiêm tốn. Đó có thể là một trong những lý do khiến họ mệt mõi. Thêm vào đó phần lớn thế hệ 1975 dần đi vào tuổi không còn hoạt động được nhiều nữa.
Do đó, công cuộc đấu tranh này, bất cứ ai quan tâm và lo lắng cho tương lai của đất nước, nhất là những thế hệ kế tiếp, cần nối gót để đạt đến thành công, tiếp tay mang đến dân chủ, tự do và công bình cho quê hương Việt Nam.
Do tiếp cận với xã hội mới và trong thời thế hôm nay, những người đấu tranh trẻ sẽ có những sáng kiến mà người ta không có trong hoàn cảnh của 38 năm qua. Ngoài ra, nếu đấu tranh suốt 38 năm mà không có kết quả đáng kể thì sẽ bất công biết bao nhiêu nếu chúng ta đòi hòi thế hệ trẻ phải chứng minh ngay là họ sẽ thành công trong phương hướng mới mà họ chọn lựa.
Vì vậy thay vì nghi ngờ, chỉ trích, cáo buộc, tẩy chay, ở cương vị của những người đi trước thái độ đúng đắn nhất là Khuyến khích và Hổ trợ. Việc thành công hay thất bại, thành công sớm hay muộn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Điều quan trọng là người đi trước và kẻ đến sau cần đoàn kết, chấp nhận khác biệt, phối hợp và chia xẻ kinh nghiệm trong công cuộc đấu tranh chung. Có như vậy may ra con đường đấu tranh trong tương lai mới đưa đến kết quả nào chăng ?